Môi trường

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước bền vững

Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước mong muốn các chuyên gia trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước; kết nối, tạo ra các mạng lưới, xây dựng năng lực, tăng cường mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà phát biểu khai mạc  hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN -Ngày 3/8, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Quản lý tài nguyên nước bền vững tại Australia - bài học kinh nghiệm”.

Khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, khi xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Cục Quản lý Tài nguyên nước đã cử nhiều đoàn tham quan học tập các nước trên thế giới, đặc biệt là Australia, một quốc gia khan hiếm nguồn nước và quản trị nước tiên tiến trên thế giới. Cục đã trao đổi, học hỏi nhiều kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên nước, quản lý quy hoạch và hạn hán, vấn đề quản lý tổng hợp.

Thông qua Hội thảo, Cục mong muốn các chuyên gia hai quốc gia trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước; đồng thời là bước khởi đầu kết nối, tạo ra các mạng lưới, xây dựng năng lực, tăng cường mối quan hệ song phương giữa cả hai quốc gia và hiểu rõ hơn về các chính sách, mô hình quản lý về nước của Australia. Qua đó, nâng cao năng lực trong việc thiết kế, áp dụng, thực hiện trên cơ sở phương pháp tiếp cận mô hình thực hành tốt nhất về quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam.

Ông James Alenxander Deane, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Theo ông James Alenxander Deane, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (26/2/1973 - 26/2/2023). Hiện, Australia đang nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược hợp tác giữa các quốc gia nhằm tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có công tác quản lý nguồn nước...

Ông James Alenxander Deane nhấn mạnh, Cục Quản lý tài nguyên nước của Việt Nam và các cơ quan liên quan của Australia có thể chia sẻ cùng nhau các kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước, đặc biệt trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số đang diễn ra ngày càng khắt nghiệt làm cho căng thẳng tài nguyên nước không còn là nguy cơ mà là mối đe dọa với các quốc gia, gây mất an ninh tài nguyên nước.

Nói về một số điểm mới trong việc xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Thạc sỹ Nguyễn Thị Việt Hồng, Phó trưởng Phòng Lưu vực sông Mê Công cho hay, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước, trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.

Mặt khác, Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật…

Chia sẻ quá trình cải cách ngành nước tại Australia, bà Karlene Maywald, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Nam Australia, Chuyên gia tài nguyên nước cho rằng, đối với Australia, nơi dân số đang gia tăng mạnh và khan hiếm nước trong nhịp sống thường ngày, nguồn tài nguyên nước rất được quan tâm.

Theo đó, nhiều năm qua, ngành nước tại Australia đang phải chịu những khó khăn, thách thức như: Áp lực từ việc gia tăng dân số, di cư. Môi trường quan trọng có nguy cơ hoặc đang suy giảm nghiêm trọng. Sử dụng nước mặt và nước dưới đất không bền vững, phức tạp trong quản lý nước xuyên biên giới. Việc cung cấp nước bị gián đoạn tại các thành phố, thị xã, khu công nghiệp. Nông nghiệp là lĩnh vực sử dụng nước chính, chịu áp lực phải chuyển đổi. Những thách thức liên quan đến khí hậu, rủi ro; nhận thức đầy đủ các giá trị của nước, trong đó bao gồm các yếu tố văn hóa.

Để thúc đẩy cải cách ngành nước hiệu quả tại Việt Nam, bà Karlene Maywald đề xuất các nguyên tắc cơ bản gồm: Nhất quán trong chính sách và khuôn khổ pháp lý; xác định vai trò, trách nhiệm, việc ra quyết định của các tổ chức; hiểu được giá trị đầy đủ của nước và có sự cam kết đối với việc quản lý các lựa chọn cần sự đánh đổi; lộ trình thực hiện rõ ràng; năng lực, khả năng thực hiện hiệu quả; chế độ giám sát, báo cáo thúc đẩy sự minh bạch, tính chịu trách nhiệm; cần có sự tham gia, trao đổi giữa các bên liên quan.

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Tại Hội thảo, các chuyên gia hai nước trao đổi một số nội dung liên quan đến: Quy hoạch lưu vực sông tại Việt Nam; phương pháp tiếp cận; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong thực hiện cải cách luật nước của Australia; quản lý bền vững tài nguyên nước của Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu… Qua đó, các đại biểu đề xuất các kinh nghiệm cải cách ngành nước hướng đến đạt được kết quả, mục tiêu chung quản lý tài nguyên nước bền vững./.

Diệu Thúy

Xem thêm