Tiền Giang cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, có phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ đối với những loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.
TTXVN - Chiều 2/8, Đoàn công tác Trung ương do ông Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Tiền Giang.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Văn Cương biểu dương những kết quả trong công tác phòng, chống thiên tai của địa phương với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân. Qua đó, góp phần bảo vệ an toàn về tính mạng, tài sản, sản xuất và đời sống nhân dân.
Theo ông Ngô Văn Cương, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, tỉnh vận dụng đầy đủ phương châm “4 tại chỗ” và chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính; có phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ đối với những loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn như: triều cường, xâm nhập mặn, lốc xoáy, sạt lở bờ sông và kênh rạch…
Trên cơ sở quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương, Tiền Giang cần củng cố, kiện toàn tổ chức các lực lượng tham gia phòng, chống, ứng phó thiên tai; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro và chủ động phòng, chống thiên tai, thảm họa, nhất là đối với các khu vực xung yếu, đông dân cư hoặc sống ven đê, ven biển.
Tỉnh cần nghiên cứu, cập nhật, bổ sung các phương án khả thi nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản nhân dân và nhà nước trong mùa mưa bão, ngăn chặn hiệu quả xâm nhập mặn vào nội đồng, kịp thời đầu tư xử lý, khắc phục sạt lở bờ sông ngòi, kênh rạch…, ông Ngô Văn Cương nhấn mạnh, ghi nhận kiến nghị của tỉnh trong công tác phòng, chống thiên tai trình Trung ương xử lý.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh, trong năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023, địa bàn tỉnh xảy ra 24 cơn lốc xoáy làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng cơ sở hạ tầng, tốc mái và sập nhà dân,… Tổng thiệt hại ước trên 27 tỷ đồng. Đồng thời, xảy ra 273 điểm sạt lở bờ sông rạch, tổng chiều dài trên 33.000 m và kinh phí khắc phục lên đến trên 580 tỷ đồng.
Để giảm thiểu thiệt hại, Tiền Giang đã đề ra những giải pháp chủ động ứng phó, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Tỉnh đã kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế địa phương.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh đã thành lập được 172 đội thanh niên xung kích ở 100% số xã, phường, thị trấn. Mỗi đội có từ 80 đến 130 thành viên, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai được chú trọng.
Việc thu Quỹ phòng, chống thiên tai của Tiền Giang đạt nhiều tiến bộ. Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thu được gần 7 tỷ đồng Quỹ phòng, chống thiên tai. Năm 2023, tỉnh phấn đấu thu Quỹ phòng, chống thiên tai trên 38,2 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ địa phương kinh phí hoàn thiện hệ thống thủy lợi bảo vệ các vùng sản xuất chuyên canh; đầu tư xử lý những điểm sạt lở nghiêm trọng, bảo vệ đời sống và sản xuất của nhân dân.
Đoàn công tác Trung ương đã kiểm tra thực tế sạt lở tại bờ biển Gò Công (huyện Gò Công Đông) và cù lao Thới Sơn trên sông Tiền (thành phố Mỹ Tho)./.
- Từ khóa:
- Kiểm tra
- phòng
- chống thiên tai
- Tiền Giang