Môi trường

Phú Yên: Phấn đấu đưa tôm hùm trở thành đối tượng thủy sản nuôi chủ lực

Phú Yên

Tỉnh Phú Yên đang triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để từng bước đưa tôm hùm trở thành đối tượng thủy sản nuôi chủ lực và xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường.

Người nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên cần được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Hiện nay, nghề nuôi tôm hùm của tỉnh Phú Yên phát triển tập trung tại thị xã Sông Cầu. Tuy nhiên, công tác tổ chức sản xuất còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa hình thành được mối liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, thiếu các quy hoạch chi tiết để sắp xếp lại các vùng nuôi. Do vậy, tỉnh Phú Yên đang triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để từng bước đưa tôm hùm trở thành đối tượng thủy sản nuôi chủ lực và xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, hiện nay, toàn thị xã có tổng cộng 61.662 lồng bè nuôi thủy sản trên biển, vịnh, đầm. Địa phương đang tiếp tục quy hoạch các vùng nuôi thủy sản xa bờ với khoảng 700 ha. Tuy nhiên, việc quản lý, cấp phép nuôi tôm hùm bằng lồng, bè hiện gặp nhiều khó khăn. Địa phương chưa hình thành được mối liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất và thiếu các quy hoạch chi tiết để sắp xếp lại vùng nuôi.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, hiện nay, Sở đang triển khai cho các thành viên của Hợp tác xã tổng hợp thị xã Sông Cầu phối hợp với các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu tôm hùm trên địa bàn tỉnh và hộ nuôi tôm để xây dựng thành chuỗi liên kết từ nuôi trồng, thu mua đến tiêu thụ sản phẩm. Sau khi thành công, Sở sẽ hỗ trợ các địa phương khác nhân rộng mô hình, góp phần tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm.

Để sản phẩm tôm hùm hình thành được chuỗi liên kết thì trước tiên chất lượng tôm phải đạt cao. Do vậy, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã hướng dẫn người dân nuôi tôm sử dụng công nghệ nuôi cao và an toàn dịch bệnh. Hiện nay, một số hộ nuôi đang thực hiện nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể xi măng hoặc nuôi trên biển bằng lồng HDPE. Các cơ quan liên quan cũng hướng dẫn người dân phòng ngừa các bệnh sữa, bệnh thân đỏ trên tôm hùm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, con giống có ý nghĩa quan trọng đến chất lượng tôm hùm. Hiện nay, giống tôm hùm chủ yếu từ các nước ASEAN. Do vậy, các địa phương nuôi tôm hùm, trong đó có tỉnh Phú Yên cần hợp tác với các nước ASEAN để đảm bảo nguồn con giống, chất lượng và kiểm dịch cho người dân. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ cũng có sức ảnh hưởng lớn đến việc nuôi tôm. Hiện nay, thị trường trong nước chưa có sản phẩm chế biến mà chủ yếu là sản phẩm sống. Do vậy, các địa phương và cơ quan chức năng cũng chú ý đến điều này để xây dựng chuỗi liên kết và đầu tư xây dựng sản phẩm chất lượng.

Tỉnh Phú Yên đang triển khai các giải pháp xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm hùm an toàn, đảm bảo môi trường. (Ảnh: TTXVN phát)

Quy hoạch vùng nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường

Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm phát triển tập trung tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, chiếm trên 95% tổng số lượng lồng nuôi, sản lượng nuôi cả nước. Do vậy, hai địa phương cần thực hiện quy hoạch vùng nuôi đảm bảo vừa đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường; đồng thời hướng đến xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước khác.

Thời gian gần đây, người nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu và các địa phương ven biển của tỉnh Phú Yên đã thực hiện việc thu gom toàn bộ rác thải và lượng thức ăn thừa đem vào bờ xử lý, góp phần đảm bảo môi trường nước vùng nuôi. Nhờ vậy, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng giảm, góp phần cho địa phương xây dựng vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng đã tích cực tham gia hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với việc bảo vệ môi trường biển. Do vậy, các tiêu chuẩn về an toàn vùng nuôi đều đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng tôm thương phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng liên kết với người dân mở các lớp tập huấn nuôi tôm hùm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nhằm hỗ trợ các địa phương, trong đó có tỉnh Phú Yên hình thành các vùng nuôi thủy sản an toàn, nhiều năm qua, Viện đã triển khai các hoạt động quan trắc môi trường ở những vùng nuôi có trọng điểm. Những chỉ số này được tổng hợp và gửi đến từng hộ nuôi một cách đều đặn. Đây là cơ sở để mỗi hộ nuôi có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho đối tượng nuôi mỗi ngày theo hướng vừa giảm chi phí sản xuất vừa hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi./.

Tường Quân

Xem thêm