Tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh, lao động và Tháng Công nhân năm 2025; Ngày hội việc làm đợt 2, năm 2025 giữa người lao động và các doanh nghiệp...
* Đà Nẵng: Kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động
Ngày 27/4, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng phối hợp với Sở Nội vụ thành phố tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh, lao động và Tháng Công nhân năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho hay, an toàn và sức khỏe của người lao động luôn là ưu tiên hàng đầu. Bà đề nghị các bên liên quan tổ chức tốt các hoạt động trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025. Các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chia sẻ thành quả với người lao động để nuôi dưỡng nguồn lực quý giá, lực lượng tiên phong, trực tiếp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Trong "Tháng Công nhân", Đà Nẵng tập trung triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực, hướng về cơ sở, trực tiếp giải quyết những vấn đề công nhân, người lao động quan tâm. Các doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động, tăng cường quản lý máy móc thiết bị đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, có biện pháp kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động hạn chế xảy ra tai nạn lao động.
Các ngành chức năng kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Các cấp Công đoàn thành phố tổ chức hoạt động chăm lo cho người lao động; thăm hỏi, động viên công nhân, người bị tai nạn lao động; tổ chức chương trình “Đối thoại tháng 5”, đối thoại giữa lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố với công nhân về vấn đề nhà ở, nhà trẻ, vay vốn, an sinh xã hội…; tổ chức diễn đàn “Đảng với công nhân – Công nhân với Đảng”, gameshows truyền hình “Tan ca Vui – Khỏe” mùa 2 năm 2025 dành cho công nhân lao động; triển khai Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, phấn đấu năm 2025 phát triển thực tăng 32.000 đoàn viên và 160 Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước.
Liên đoàn Lao động thành phố tặng 174 suất quà, tổng kinh phí 380 triệu đồng, gồm: 170 suất quà, mỗi suất 2 triệu đồng cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo và 4 suất, trị giá 10 triệu đồng/suất hỗ trợ cho gia đình đoàn viên, công nhân bị tử vong do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trao 34 “Mái ấm Công đoàn” với tổng kinh phí hơn 1,22 tỷ đồng cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Tại lễ phát động, Ban Tổ chức trao khen thưởng của các cấp, ngành cho 21 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn vệ sinh lao động và 4 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh năm 2024. Liên đoàn Lao động thành phố trao tặng tượng trưng 15 suất quà cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 15 “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên.
*Nghệ An: Thêm 12.000 vị trí việc làm mới cho người lao động
Ngày 27/4, Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Nghi Lộc tổ chức Lễ khai mạc “Ngày hội việc làm đợt 2, năm 2025 giữa người lao động và các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp WHA Nghệ An”. Đây là dịp để người lao động làm ăn xa nắm bắt, tìm hiểu, từ đó có thêm sự lựa chọn vị trí, việc làm phù hợp ngay tại quê hương.
Ngày hội có sự tham gia của 15 doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp WHA Nghệ An, trực tiếp tuyển dụng, mang đến hơn 12.000 vị trí việc làm cho cả lao động phổ thông và lao động đã qua đào tạo. Các ngành nghề được tuyển dụng chính gồm: Điện, điện tử, linh kiện ô tô, cơ khí chế tạo, may mặc… Các vị trí có mức thu nhập ổn định, môi trường làm việc chuyên nghiệp, chính sách phúc lợi tốt và cơ hội thăng tiến cao trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đề nghị, Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam và các sở, ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau Ngày hội việc làm để tạo sức hấp dẫn, lan tỏa rộng rãi, sâu sát đến người dân. Các đơn vị cần có quy chế hợp tác dài hạn từ định hướng nghề nghiệp, phân luồng giáo dục, dạy nghề và bố trí việc làm cho thanh niên sau khi ra trường. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần thường xuyên quan tâm nâng cao tiền lương, thu nhập thực tế, các chế độ phúc lợi, môi trường làm việc để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Trong 3 năm gần đây, tỉnh Nghệ An luôn nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, hình thành các khu công nghiệp sôi động và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của các doanh nghiệp đã và đang đặt ra thách thức lớn về số lượng cũng như chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động có chất lượng cao trong các lĩnh vực điện tử, chế tạo, bán dẫn...
Nhiều lao động người Nghệ An có xu hướng tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu lao động. Ước tính có khoảng 700.000 lao động Nghệ An làm việc ngoại tỉnh và 80.000 lao động làm việc ở nước ngoài. Nguyên nhân là do mức lương và thu nhập tại địa phương thấp hơn so với các vùng kinh tế trọng điểm khác trong nước./.