Các trường đại học phải đóng vai trò trung tâm trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; giảm bớt rào cản tài chính và pháp lý đối với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Ngày 3/4, Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hiệu chia sẻ một số thông tin về tiềm lực khoa học và công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách “vun cao”, đầu tư cho các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm trọng điểm và các nhóm nghiên cứu mạnh, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý khoa học và công nghệ… Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội còn ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về sở hữu trí tuệ, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, thành lập và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ… Các chính sách này đã được triển khai đồng bộ, góp phần giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, nhiều sản phẩm đã và đang được ứng dụng trong thực tiễn.
Phó Giám đốc Nguyễn Hiệu cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết liệt triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo với các đơn vị nghiên cứu chiến lược. Đây sẽ là trung tâm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, góp phần hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đánh giá về Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ghi nhận những đổi mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt trong bối cảnh của Nghị quyết 57, cần có sự điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn. Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện tối ưu cho nghiên cứu khoa học trong nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tại buổi làm việc, góp ý cho dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh vai trò nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn trong đổi mới sáng tạo, đồng thời đề xuất xác định lại trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó, trường đại học và viện nghiên cứu đóng vai trò nguồn gốc tri thức, còn doanh nghiệp là động lực dẫn dắt.
Giáo sư Nguyễn Hữu Đức đề nghị xây dựng cơ chế quỹ phát triển khoa học hợp lý, cải thiện chính sách dành cho tạp chí khoa học, đồng thời đưa vào luật mô hình đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.
Giáo sư - Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần xóa bỏ ranh giới giữa hệ thống giáo dục và tổ chức khoa học công nghệ. Ông cho rằng, các trường đại học phải đóng vai trò trung tâm trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thay vì bị tách biệt như quy định hiện tại; đồng thời đề xuất điều chỉnh luật để giảm bớt rào cản tài chính và pháp lý đối với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Giáo sư - Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận cũng kiến nghị bỏ các quy định hạn chế đầu tư của đơn vị công lập vào doanh nghiệp; đơn giản hóa cơ chế khoán chi để thúc đẩy hiệu quả nghiên cứu.
Góp ý từ phía các trường đại học trực thuộc, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ cho rằng, phải có những thay đổi mang tính đột phá trong tư duy và cơ chế để khoa học công nghệ trở thành động lực thực sự cho sự phát triển của Việt Nam. Nếu vẫn giữ tư duy cũ, dù đặt ra các mục tiêu cao, Việt Nam sẽ khó có thể bứt phá như các nước đi trước.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức khẳng định, khoa học công nghệ chỉ có thể phát triển khi thể chế thay đổi theo hướng tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học. Ông nhấn mạnh vai trò then chốt của các đại học quốc gia trong đào tạo nhân tài, đồng thời kêu gọi đầu tư trọng tâm vào khoa học cơ bản và giải phóng năng lực của các nhà khoa học.
Giáo sư Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin chỉ ra sự bất cập trong đầu tư cho khoa học công nghệ khi việc cấp kinh phí nghiên cứu không đồng bộ với đầu tư cơ sở vật chất. Ông đề xuất cần có một cơ chế đầu tư tổng thể, đảm bảo trang thiết bị thí nghiệm phù hợp với các hướng nghiên cứu. Bên cạnh đó, trao quyền tự chủ cao hơn, cho phép các đơn vị nghiên cứu hoạt động tương tự doanh nghiệp, tự quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả đầu ra.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo không chỉ đơn thuần là một văn bản pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn mà đây phải là một công cụ để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến đóng góp, đặc biệt là vấn đề liên kết giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo trong các trường đại học. Nếu trường đại học không có nghiên cứu khoa học thì sẽ khó cập nhật chương trình giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của nền khoa học nước nhà. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về sự cắt khúc giữa nghiên cứu, đào tạo và thị trường, dẫn đến lãng phí nguồn lực và chưa khai thác hết tiềm năng của các trường đại học.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đặt vấn đề về sự cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trong thời đại của AI, Big Data và IoT, Việt Nam cần tập trung phát triển trí tuệ con người để làm chủ công nghệ, thay vì chỉ phụ thuộc vào AI.
Ban soạn thảo Luật cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo luật theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, đưa khoa học và công nghệ trở thành nền tảng phát triển đất nước trong thời đại trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số./.