Mục tiêu hợp tác là xây dựng ba đại học trở thành các trung tâm xuất sắc về đào tạo nhân lực tài năng, thu hút nhân tài, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo.
Ngày 3/4, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược gắn với hợp tác của doanh nghiệp.
Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh tổng hợp của ba đại học hàng đầu Việt Nam, phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên trong đào tạo nhân tài, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mục tiêu hợp tác là xây dựng ba đại học trở thành các trung tâm xuất sắc về đào tạo nhân lực tài năng, thu hút nhân tài, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo, với sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Các trường đại học của Việt Nam không những là các tổ chức khoa học công nghệ, mà còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ, cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Các trường đại học cũng là nơi ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong đổi mới quản trị nhà trường, đổi mới cách dạy và học. Các trường đại học còn tham gia với vai trò là trung tâm đào tạo, phát triển năng lực số cho người dân và cho phong trào “Bình dân học vụ số”. Sứ mệnh của các trường đại học rất lớn trong triển khai thành công Nghị quyết 57.
Thứ trưởng cũng cho biết: Gần đây, Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có kết luận chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn ít nhất 3 cơ sở giáo dục đại học để xây dựng mô hình nghiên cứu phát triển phát triển khoa học công nghệ, gắn kết 3 nhà: nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp; đồng thời, nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, giải quyết bài toán đổi mới quản trị trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá cao 3 đại học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực khoa học công nghệ, những nơi đào tạo tốt về công nghệ số, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Từng đại học đã có những nghiên cứu thành công và ban hành các chương trình hành động, tổ chức các trung tâm nghiên cứu, công viên về khoa học công nghệ, các tổ hợp nghiên cứu chiến lược.
Đồng thời, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và của ba đại học nói riêng để hợp lực triển khai Nghị quyết 57, chia sẻ nguồn lực, hợp tác trong đào tạo, triển khai chương trình đào tạo chung, nhiệm vụ chung, thu hút nhân tài, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nước. Thứ trưởng hi vọng, đây là mô hình ban đầu, là hạt nhân để kết nạp thêm các cơ sở giáo dục đại học khác liên kết hợp tác và triển khai thành công các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết 57, Chương trình hành động của Chính phủ và có những hành động hợp tác hiệu quả, khẩn trương, quyết liệt trong thời gian tới.
Thỏa thuận hợp tác chiến lược của ba đại học tập trung vào các nội dung chính gồm: Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; Hợp tác nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược; Hợp tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và tài nguyên dùng chung; Tổ chức hội nghị, hội thảo, phát triển hợp tác và thu hút học giả quốc tế.
Cụ thể, ba cơ sở đào tạo sẽ phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học các ngành trọng điểm, mũi nhọn theo hướng cùng tổ chức đào tạo và nghiên cứu đề xuất cơ chế để học viên tốt nghiệp có thể nhận văn bằng của cả ba đại học. Bên cạnh đó, triển khai đánh giá, công nhận tín chỉ và tăng cường trao đổi sinh viên theo hình thức “du học tại chỗ”; xây dựng chương trình trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên.
Ba đại học sẽ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành, liên lĩnh vực tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, an ninh mạng, chuỗi khối, IoT, 5G/6G, năng lượng, robot và tự động hóa, công nghệ số, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử; đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm dùng chung và ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu; tổ chức các hoạt động chung về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Các cơ sở đào tạo sẽ ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, phát triển hệ thống quản lý đào tạo thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và xây dựng mô hình đại học số chia sẻ; phát triển hệ sinh thái số dùng chung, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài liệu số và phương án cấp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu khoa học.
Ba đại học cũng sẽ phối hợp tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế, hợp tác phát triển tạp chí khoa học chuẩn quốc tế và tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm; hợp tác tham gia các tổ chức, mạng lưới quốc tế và thu hút chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên quốc tế. Bên cạnh đó, phối hợp truyền thông các sự kiện và hoạt động chung, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác truyền thông và xây dựng cơ chế tổ chức thông tin chung nhằm nâng cao uy tín, tầm ảnh hưởng của ba đại học.
Thỏa thuận hợp tác chiến lược này có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày ký. Ba đại học sẽ thành lập tiểu ban hỗn hợp để nghiên cứu, đề xuất và điều phối triển khai các nội dung hợp tác cụ thể hàng năm.
Tại lễ ký kết, đại diện lãnh đạo ba đại học và các doanh nghiệp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác này trong việc tận dụng tối đa nguồn lực, phát triển nền tảng công nghệ chiến lược và chuyển đổi số, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW./.