Báo cáo nêu rõ, tính đến thời điểm hiện nay, ba địa phương đã xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ; tổ chức lấy ý kiến nhân dân trình HĐND các tỉnh, thành phố và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đúng thời gian quy định.
Chiều 14/5, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, các Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội nghị đánh giá công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã của 3 địa phương và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trình bày báo cáo đánh giá công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện Đề án. Báo cáo nêu rõ, tính đến thời điểm hiện nay, ba địa phương đã xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ; tổ chức lấy ý kiến nhân dân trình HĐND các tỉnh, thành phố và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đúng thời gian quy định. Sau khi sáp nhập, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh mới là 168 đơn vị (113 phường, 54 xã và 1 đặc khu), giảm 61,9% so với 441 đơn vị hành chính cấp xã ban đầu.
Tại hội nghị, các đại biểu nêu rõ, tập thể lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh đã cố gắng, nỗ lực, quyết tâm chính trị cao để thực hiện tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và đảm bảo tiến độ theo quy định; tiếp tục triển khai, quán triệt công tác tư tưởng, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đây là bước khởi đầu quan trọng cho hành trình xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, hướng tới hình thành một siêu đô thị có tầm vóc quốc tế, trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là niềm hy vọng và niềm tin của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là thời cơ thuận lợi, cũng là một thách thức không nhỏ đối với Ban Thường vụ của 3 địa phương, nhất là trong việc lựa chọn nhân sự, kiện toàn hệ thống chính trị đủ sức gánh vác trọng trách mới, đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở phải đảm bảo gần dân, sát dân và giải quyết tốt cho từng nhóm cán bộ công chức, viên chức để người ở lại yên tâm cống hiến và người được tinh giản cũng thấu tình, đạt lý…; đảm bảo các chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề, chính sách nhà ở, hỗ trợ vốn, an sinh xã hội để cán bộ công chức, viên chức yên tâm công tác, chuyển đổi công việc.
Mục tiêu trước mắt là tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh trình Ban Chỉ đạo và cấp thẩm quyền theo quy định. Các Tỉnh ủy, Thành ủy hoàn chỉnh dự thảo Đề án kết thúc hoạt động đảng bộ cấp huyện, cấp xã cũ thành lập đảng bộ cấp xã theo quy định. Chuẩn bị phương án nhân sự cấp ủy phường, xã; tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, trụ sở hành chính các cơ quan thuộc diện sắp xếp đã được bố trí và có phương án sử dụng phù hợp, hiệu quả; bố trí sử dụng hợp lý đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí khi thực hiện sắp xếp.
Đồng thời, các đơn vị triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số, số hóa tài liệu và mô hình làm việc trực tuyến sau khi sáp nhập tỉnh, sắp xếp kết thúc hoạt động cấp huyện, thành lập tổ chức bộ máy cấp xã mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy đảm bảo thông suốt kịp thời, hiệu quả./.