Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tăng cường sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng
Các đại biểu đề nghị đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo, từ đó đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng này.
TTXVN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 5/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 12 năm thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Việc sửa đổi Luật nhằm tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng; tạo cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đề nghị cân nhắc, quy định tách bạch giữa chức năng đầu tư với chức năng thương mại của ngân hàng bởi một số ngân hàng hiện sử dụng nguồn tiền gửi để đi đầu tư, đặc biệt là những lĩnh vực có rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật, cần bổ sung quy định đảm bảo minh bạch, công khai về hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng. Bởi, theo đại biểu, cử tri băn khoăn về việc khi thực hiện vay ở các ngân hàng bị nhân viên ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm mới được giải ngân, hỗ trợ.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định phạm vi cung cấp thông tin khách hàng cho các cơ quan kiểm tra, thanh tra để đảm bảo thuận lợi cho quá trình thực hiện, đồng thời đảm bảo nguyên tắc về bảo vệ thông tin cá nhân.
Đại biểu Lê Thành Long (Kiên Giang) nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất khó, ở chỗ “đụng” đến tiền, phải xử lý một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn, từ ngân hàng 0 đồng đến xử lý các khoản nợ lớn của các ngân hàng, tổ chức; đảm bảo sự vận hành của hệ thống ngân hàng theo cơ chế thị trường nhưng kịp thời có sự can thiệp, quản lý của Nhà nước trong trường hợp cần thiết.
Đại biểu Lê Thành Long bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, theo đại biểu, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật mở rộng phạm vi theo hướng bao quát, toàn diện hơn và đặc biệt là xử lý nhóm nội dung về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, trong cơ quan thẩm tra - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị tiếp tục mở rộng đối tượng áp dụng để thúc đẩy thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
Cơ bản đồng ý với đề nghị nêu trên nhưng đại biểu cho biết, việc mở rộng như vậy phải kèm theo một số điều kiện.
Theo đó, đại biểu Lê Thành Long phân tích, Luật Đầu tư năm 2020 không coi hoạt động kinh doanh mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, hoạt động của các tổ chức, đặc biệt xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được đánh giá kỹ tác động, nhất là liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn xã hội và tính an toàn của hệ thống.
Về tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 55), so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.
Các đại biểu đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ này; đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo, từ đó đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo như hiện nay. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông đang sở hữu cổ phần từ trên 3% đến dưới 5%, trên 10% đến dưới 15% và trên 15% đến dưới 20%, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực; tác động của chính sách đến thị trường chứng khoán.
Đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo khi đưa ra quy định này, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên - Huế) nhận định, quy định này nhằm hạn chế tình trạng cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn ngầm liên kết chi phối hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, đại biểu vẫn băn khoăn quy định như vậy có đủ đảm bảo khắc phục triệt để tình trạng này không. Thực tế, có trường hợp một người sở hữu một phần nhỏ tỷ lệ vốn ngân hàng nhưng tiếp nhận một loạt giấy ủy quyền của các cổ đông khác. Đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng hơn về vấn đề này.
Nhấn mạnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên, đại biểu nhận định, bóng dáng ngân hàng điện tử, ngân hàng số, thanh toán điện tử, mobile money… trong dự thảo Luật còn mờ nhạt, sơ sài. Trong khi đó, đây là lĩnh vực cạnh tranh mạnh nhất của các ngân hàng hiện nay. Vì vậy, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể hơn về nội dung này, tạo không gian phát triển mới cho ngành ngân hàng.
Cho rằng dự thảo Luật vẫn chưa đưa ra giải pháp triệt để xóa bỏ “tín dụng đen”, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhấn mạnh, cần giải quyết tận gốc vấn đề, người dân trong xã hội có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp). Hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này của người dân vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, do đó họ phải tìm tới “tín dụng đen” với rất nhiều rủi ro.
Để giải quyết bài toán này, đại biểu đề xuất cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, những đóng góp của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, chấm dứt sở hữu chéo... Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan trọng không phải là tỷ lệ sở hữu 3% hay 5% mà người sở hữu vốn ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ công khai để biết được nhóm người có liên quan và ai thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng đó.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật cần thiết kế một chương riêng về Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, quy định một số điều có điều có tính nguyên tắc, giao Chính phủ có cơ sở để quy định chi tiết hơn./.