Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tránh tình trạng đào tạo lao động không theo địa chỉ, không theo đặt hàng
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững, tiến tới thị trường lao động Việt Nam hội nhập với xu thế chung.
TTXVN - Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp sáng 6/6.
*Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực nông thôn
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn ở vị trí thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt 50%. "Bộ trưởng đánh giá như nào về quá trình triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên? Đến bao giờ, chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?", đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người. Đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,4 triệu người. Thị trường lao động Việt Nam đã có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh cả về cơ cấu, quy mô... Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp. Số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp hơn so với các nước phát triển.
Đáng chú ý, trong thị trường lao động, cơ cấu lực lượng lao động không cân đối. Đặc biệt, lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động kỹ năng thấp hơn. Đây là vấn đề cần điều chỉnh trong thời gian tới. Trong thực tiễn, khi đến Việt Nam, các nhà đầu tư quan tâm hai vấn đề: Hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng nêu rõ, khi có Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững, tiến tới thị trường lao động Việt Nam hội nhập với xu thế chung. Nghị quyết đã nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện…
Quan tâm đến lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho biết, năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ tăng không đáng kể so năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo nông thôn thấp hơn so với thành thị. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của thực trạng này? Bộ có giải pháp gì để nâng tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho lực lượng lao động ở nông thôn được có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao tay nghề?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 so với năm 2021 tăng không nhiều, tăng nhanh hơn ở khu vực đô thị. Điều này phản ánh rất đúng với thực tiễn.
Bộ trưởng lý giải, sau đại dịch COVID-19, gần 3 triệu người di chuyển từ thành phố về địa phương, tạm dừng công việc đơn vị cũ. Một bộ phận lao động quay trở lại doanh nghiệp để phục hồi. Tuy nhiên, số này không nhiều. Phần đông lao động chuyển công việc mới. Do đó, việc đào tạo cho trường hợp này gia tăng.
Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đổi mới phương thức đào tạo nghề khu vực nông thôn với phương châm chỉ đào tạo khi dự báo, bố trí được công việc hiệu quả cao hơn, tránh tình trạng "gặp đâu đào tạo đấy", đào tạo không theo địa chỉ, không theo đặt hàng.
*Giải pháp hỗ trợ lao động nữ ngoài 40 tuổi
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh, thực tế cắt giảm lao động của các doanh nghiệp cho thấy, cơ hội việc làm đối với lao động nữ ngoài 40 tuổi sau khi bị mất việc rất khó khăn, dẫn đến nguy cơ các đối tượng này phải rút bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ giải pháp hỗ trợ đối tượng này trong thời gian tới?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ. Đối tượng bị giãn việc, mất việc làm hầu hết rơi vào lao động nữ. Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông là những người mẹ đem theo con.
Vì vậy, về việc sa thải lao động nữ trên 40 tuổi, Bộ trưởng cho rằng, lao động phải đào tạo ngay từ sớm, chưa thất nghiệp. Qua tuổi 40, với ngành dệt may quả thật rất khó khăn với người lao động vì "mắt đã mờ, chân đã chậm, năng suất làm việc thấp".
Do đó, phải có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo hệ thống cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học... Bên cạnh đó, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa, hỗ trợ lao động nữ khi chuyển việc hoặc thất nghiệp. Địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết về thực trạng thu nhập và đời sống của công nhân lao động ở nước ta hiện nay. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp căn cơ để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất?
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội nêu con số, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6% so với quý IV/2022. Trong đó, ngành nghề cơ bản thâm dụng lao động như dệt may có thu nhập 7,2 triệu đồng; chế biến gỗ 7,4 triệu đồng; điện tử 9 triệu đồng.
Bộ trưởng đánh giá, các doanh nghiệp đã cố gắng rất lớn. Doanh nghiệp, người lao động san sẻ, chia sẻ với phương châm phát triển cùng hưởng, khó khăn sẻ chia. Tuy được chưa cải thiện nhiều nhưng về cơ bản chính sách lương tối thiểu, thu nhập bình quân đã đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Dù vậy, Bộ trưởng thừa nhận, lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là với nữ công nhân ở các khu công nghiệp.
Bộ trưởng nhắc lại một số giải pháp đã đề cập như phát triển sản xuất kinh doanh; tăng thu nhập đời sống; bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm...
*Ổn định thị trường lao động
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) nhận định, năm 2023, kinh tế nước ta đứng trước nhiều thử thách, dự báo thị trường lao động đối mặt với nhiều rủi ro, tình trạng mất việc làm diễn ra trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó, Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi đại biểu Quốc hội cho thấy, số liệu thất nghiệp của Việt Nam thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình rõ cách đánh giá, số liệu của Báo cáo đã sát với thực tiễn hay chưa đồng thời làm rõ thông tin dự báo và giải pháp cho thị trường lao động trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, tỷ lệ thất nghiệp 2,25% là đánh giá khách quan, khoa học, dựa trên tiêu chí cụ thể quốc tế đưa ra. Kết quả khảo sát thực hiện trong 1 tuần trước thời điểm công bố, theo tiêu chí đánh giá “thất nghiệp” là tình trạng người lao động trong độ tuổi có nhu cầu làm việc, nhưng không có việc làm, thậm chí không làm việc dù chỉ 1 giờ; hoặc sẵn sàng làm việc nhưng không có việc làm hoặc đang tìm việc.
Ngoài áp dụng các tiêu chí đó, Tổng cục Thống kê còn mở rộng thêm một số tiêu chí theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Theo đó, những ý kiến đánh giá độc lập, đối soát đánh giá của Tổng cục Thống kê cơ bản là trùng nhau.
Dự báo, thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn, đặc biệt với ngành hàng thâm dụng lao động nhiều như: Giày da, dệt may, sản xuất túi xách..
“Thời gian dịch COVID-19 hoành hành đã bào mòn tích lũy của người lao động, cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn. Chúng ta không được phép chủ quan nhưng không quá bi quan. Với quy mô thị trường lao động trên 51,2 triệu người, số thất nghiệp chính thức là 297 nghìn người. Chúng ta vẫn hoàn toàn kiểm soát được. Thực tế, năm 2021 cả nước từng lo lắng về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung cứng nhưng Việt Nam đã không để tình trạng đó xảy ra”, Bộ trưởng cho biết./.