Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Quy định chặt chẽ để tránh xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu tham gia giao thông
Liên quan đến dự án Luật này, nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý là quy định về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Chiều 22/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
* Bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục về quy định nồng độ cồn khi lái xe
Liên quan đến dự án Luật này, nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý là quy định về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đa số đại biểu nhất trí với dự thảo Luật; một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở, căn cứ của quy định này.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, trong đợt tiếp xúc cử tri tại Kỳ họp thứ 7 và trước Kỳ họp thứ 7, nhiều cử tri nêu kiến nghị tiếp tục giữ quy định nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay để đảm bảo an toàn giao thông, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cấm như vậy thì quá chặt. Tuy nhiên, theo đại biểu Huân, cả 2 ý kiến trên đều có phần cảm tính, chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng định quan điểm... Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung căn cứ cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định thông qua sẽ thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân.
Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) bày tỏ đồng tình với việc nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra.
Đại biểu cũng chỉ rõ về thực trạng nhiều nguời sử dụng rượu, bia từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong hơi thở, thậm chí ăn một số loại trái cây có khả năng lên men thì trong hơi thở cũng có nồng độ cồn. Đại biểu cho rằng, Luật cần điều chỉnh để không cản trở các hoạt động bình thường của xã hội, từ văn hóa ứng xử đến phát triển kinh tế - xã hội. Do nội dung này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu đề nghị nên xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua.
Nêu ý kiến về một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nhấn mạnh: "Việc kiểm tra người tham gia giao thông có sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn hay không thông qua hơi thở là cơ bản chính xác. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân, một số bệnh như xơ gan, thận, ung thư gan giai đoạn muộn... lúc này cơ thể tăng chuyển hóa chất có nồng độ cồn nội sinh. Trường hợp này nên tham khảo cơ sở y tế để tránh oan sai, dù trường hợp này rất hiếm gặp".
Trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định: “Về nồng độ cồn nội sinh đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệnh kết quả xử lý”.
Theo đại biểu, như vậy vấn đề đặt ra là việc xác định nồng độ cồn nội sinh là “chưa có căn cứ rõ ràng”, chứ không phải là không có căn cứ. Đây là những vấn đề cần được quy định chặt chẽ trong Luật, để tránh việc xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 10 của dự thảo Luật về hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh”. Đồng thời, cần bổ sung quy định trong Luật về việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với quan điểm đã lái xe, không uống rượu bia; theo đại biểu, trên thế giới chỉ có 23 quốc gia (trong đó có Việt Nam) quy định nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0 khi tham gia giao thông, phần lớn các quốc gia cấm nồng độ cồn là quốc gia Hồi giáo. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cho phép ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với người đi xe gắn máy.
Còn theo phân tích của đại biểu Tạ Văn Hạ (Bắc Giang), 90% tai nạn giao thông xảy ra do ý thức, nhận thức của con người. Tại Việt Nam, thu nhập của nhiều người dân không đủ điều kiện để thuê xe dịch vụ, đây cũng là ý kiến của nhiều cử tri gửi gắm đại biểu Quốc hội tại các buổi tiếp xúc cử tri.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này.
* Thống nhất, tránh chồng chéo với các luật khác, nhất là Luật Đường bộ
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để tránh trùng lặp, chồng chéo và nếu quy định dẫn chiếu phải bảo đảm chính xác. Có ý kiến đề nghị chuyển một số chương, điều trong dự thảo Luật này sang dự thảo Luật Đường bộ và ngược lại
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, chỉnh lý tại các điều có liên quan trong dự thảo Luật; đồng thời điều chỉnh nội dung giữa hai dự thảo Luật theo nguyên tắc: Luật này điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn. Còn Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.
Cũng tại hội trường, các đại biểu nêu nhiều ý kiến về các nội dung của dự án luật như: Quy định việc đấu giá biển số xe bảo đảm công khai, minh bạch; quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; nội dung và trách nhiệm giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; về rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo sự thống nhất, đúng phạm vi điều chỉnh của Luật.../.
- Từ khóa:
- Kỳ họp thứ 7
- Quốc hội khóa XV
- nồng độ cồn
- giao thông
- rượu
- say
- bia