An sinh

Kỳ vọng ấm no từ những chuyến tàu khai thác xa bờ

Sóc Trăng

Chuyến ra khơi đầu năm mang theo bao kỳ vọng và ước mơ của ngư dân về một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, biển lặng sóng êm, tôm cá đầy khoang...

Trong những ngày đầu Xuân mới, cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng) luôn giữ được không khí tấp nập, nhộn nhịp vốn có. Tiếng máy tàu, tiếng cười nói của ngư dân, tiếng trả giá của thương lái hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh sinh động, đầy màu sắc. Chuyến ra khơi đầu năm mang theo bao kỳ vọng và ước mơ của ngư dân về một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, biển lặng sóng êm, tôm cá đầy khoang, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

* Chủ động hỗ trợ

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân, Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề đã chủ động triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ. Ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề cho biết: Đơn vị bố trí nơi neo đậu hợp lý, kịp thời cho tàu đánh bắt ra vào cảng, đảm bảo ngư dân luôn có vị trí thuận lợi để lên xuống hàng hóa, hải sản nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần để đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời dịch vụ cần thiết như nhiên liệu, nước đá, lương thực, thực phẩm… cho tàu thuyền trước mỗi chuyến ra khơi đầu năm mới; qua đó góp phần tạo thêm động lực, niềm tin cho ngư dân trong những chuyến biển đầu năm.

Anh Quách Trường Xuân, một chủ tàu khai thác xa bờ ở cảng cá Trần Đề chuẩn bị cho tàu ra khơi, qua trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng làm thủ tục trước khi xuất bến cho biết, gia đình anh có 4 tàu cá chuyên khai thác xa bờ. Đến ngày 6/2, cả 4 tàu đồng loạt xuất bến chuyến biển đầu năm. Trước khi xuất bến, các tàu đều đã vào Trạm Biên phòng Trung Bình để kiểm tra và làm đầy đủ các thủ tục xuất bến theo quy định. Chủ tàu và các thuyền viên đều được cán bộ biên phòng tuyên truyền, nhắc nhở rất kỹ về việc không để thiết bị giám sát hành trình bị mất tín hiệu trong quá trình hoạt động trên biển. Nếu có sự cố mất tín hiệu hoặc hư hỏng thiết bị phải báo ngay cho Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề và Biên phòng để được hướng dẫn xử lý, khắc phục kịp thời. "Anh em đi tàu khai thác biển luôn ý thức được trách nhiệm của mình, cam kết đánh bắt đúng pháp luật, chỉ khai thác trong vùng biển Việt Nam, tuyệt đối không xâm phạm vùng biển nước ngoài", anh Xuân nói.

Sau các đợt kiểm tra của Ủy ban Châu Âu (EC), Sóc Trăng được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đội tàu đánh bắt cá trên biển, không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Đây là một thành quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ngư dân Sóc Trăng trong việc xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững, có trách nhiệm.

Sóc Trăng là tỉnh ven biển có tiềm năng lớn về khai thác và nuôi trồng thủy sản. Theo thống kê, tỉnh hiện có 842 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 344 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, đủ khả năng khai thác xa bờ. Đến nay, 100% số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình, góp phần quan trọng vào việc quản lý đội tàu và thực hiện các quy định về khai thác thủy sản bền vững. Toàn tỉnh hiện có trên 5.600 lao động trực tiếp tham gia khai thác thủy sản trên biển, tạo ra nguồn sinh kế quan trọng cho nhiều gia đình.

* Ngư dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định

Những năm gần đây, với sự kiên trì, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhận thức của ngư dân Sóc Trăng về bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên thủy hải sản đã có chuyển biến tích cực. Ngư dân ngày càng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác thủy sản, lợi ích thiết thực mà việc gỡ “thẻ vàng” IUU mang lại cho chính họ và cho sự phát triển kinh tế biển của tỉnh. Việc gỡ “thẻ vàng” không chỉ mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu mà còn nâng cao giá trị và uy tín của hải sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đồn Biên phòng Trung Bình, đơn vị đóng vai trò quan trọng trong quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo tại khu vực cảng cá Trần Đề, giám sát tàu thuyền ra, vào cảng. Thiếu tá Nguyễn Thanh Phong, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trung Bình cho biết, trong thời gian qua, Đồn đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan để tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung về chống khai thác IUU đến ngư dân bằng nhiều hình thức đa dạng như tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của Đồn; tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung tại cộng đồng.

Thuyền trưởng Trịnh Minh Thuận, ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chia sẻ: "Gia đình tôi có 4 tàu đánh bắt và 1 tàu vận tải. Sau những ngày nghỉ Tết, sáng mùng 4 tháng Giêng, tôi đã cho 2 tàu xuất bến chuyến đi biển đầu năm, 2 tàu còn lại đang chuẩn bị và dự kiến mùng 9 sẽ xuất bến. Theo quan niệm của ngư dân, những chuyến ra khơi đầu năm mà hái được nhiều lộc biển thì cả năm đó sẽ luôn gặp may mắn, làm ăn thuận lợi". Hai tàu cá ra khơi nay đã cập bờ với hơn 12 tấn hải sản các loại. Chuyến biển đầu năm tuy có gió động nhưng nhìn chung thuận lợi hơn năm trước. Vì thế, ngư dân rất tin tưởng và kỳ vọng năm nay sẽ là một năm bội thu, cuộc sống sẽ ngày càng sung túc hơn.

Với những người con của biển cả, chuyến đi biển đầu năm không chỉ là hoạt động khai thác kinh tế, mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đó là sự khởi đầu cho một năm mới với những kỳ vọng về một mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Việc ngư dân kiên trì vươn khơi bám biển còn khẳng định chủ quyền, sự hiện diện của Việt Nam trên biển Đông, góp phần bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Trong mỗi chuyến đi, lá cờ Tổ quốc tung bay không chỉ là biểu tượng thiêng liêng mà còn là niềm tự hào, trách nhiệm của mỗi ngư dân đối với quê hương, đất nước./.

Nguyễn Trung Hiếu

Tin liên quan

Xem thêm