Vào dịp gần Tết, ngư dân tăng tần suất, gối chuyến vươn khơi nên không khí chợ Lạch Vạn càng nhộn nhịp, tất bật.
Huyện ven biển Diễn Châu (Nghệ An) có hơn 20km đường bờ biển với hơn 500 phương tiện tàu, thuyền chuyên khai thác hải sản. Chợ Lạch Vạn (xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu) nằm cạnh cảng cá Lạch Vạn, là chợ đầu mối lớn nhất trên địa bàn huyện Diễn Châu, nơi tập trung nguồn hải sản lớn nhất của ngư dân các xã, thị trấn ven biển, bãi ngang của địa phương. Chợ bán buôn sôi nổi nhất vào thời điểm rạng sáng với vô số loài cá, tôm, cua, ghẹ, ốc, mực... Vào dịp gần Tết, ngư dân tăng tần suất, gối chuyến vươn khơi nên không khí chợ Lạch Vạn càng nhộn nhịp, tất bật.
* Nhịp sống của người dân miền biển gần Tết
Theo nhiều người dân địa phương, chợ cá Lạch Vạn đã tồn tại và phát triển hơn 70 năm qua. Chợ họp đông nhất vào lúc 4 giờ, kéo dài sau đó nhiều giờ. Vị trí nằm cạnh cảng cá Lạch Vạn, nơi tập trung gần như toàn bộ các tàu, thuyền của ngư dân trên địa bàn huyện Diễn Châu về tiêu thụ nguồn hải sản sau những chuyến ra khơi. Từ lợi thế này, chợ Lạch Vạn là chợ đầu mối có quy mô lớn, nguồn hải sản phong phú, đa dạng nhất trên địa bàn.
Vào thời điểm hơn 4 giờ sáng, nhiều người dân đã có mặt tại chợ cá Lạch Vạn để chờ tàu, thuyền cập bến. Trong tiết trời se lạnh của sương đêm, gió biển và lất phất mưa, mọi người đốt lửa để sưởi ấm. Các ngả đường dẫn về chợ cá xuất hiện nhiều xe máy, xe kéo, ba gác... Không khí rạng sáng vốn dĩ yên lặng ở “miền chân sóng” trở nên sôi động khi cửa biển Lạch Vạn xuất hiện tiếng động cơ tàu, thuyền mỗi lúc một rõ hơn. Đó là những tốp tàu, thuyền của ngư đầu tiên qua cửa biển Lạch Vạn để vào cảng sớm nhất. Chưa đầy 30 phút sau, gần 1 km luồng tuyến đấu nối cảng cá Lạch Vạn với cửa biển đã tấp nập từng đoàn tàu, thuyền cá nối nhau về đất liền.
Để đảm bảo an toàn, tránh va chạm khi di chuyển trong đêm, các tàu thuyền đều sử dụng toàn bộ hệ thống đèn trên phương tiện. Nhờ đó, nhiều khúc sông và cảng cá Lạch Vạn trông như những “phố nổi” với hàng ngàn bóng đèn chiếu sáng tại các vị trí trên tàu, thuyền.
Hơn 5 giờ, không gian cảng cá và chợ cá Lạch Vạn nhanh chóng sôi nổi khi có nhiều tàu, thuyền cập bến, các hoạt động vận chuyển, bán buôn diễn ra rộn ràng. Trên các tàu, thuyền còn chưa cập bờ, thuyền viên tất bật ngồi phân loại hải sản trên khoang để bỏ vào khay nhựa, thùng xốp, các loại rổ kích thước to để khi thuyền cập cảng sẽ chuyển lên bờ trong thời gian nhanh nhất.
Tại những tàu, thuyền đã cập bờ, sau khi hoàn tất việc neo, cột phương tiện, ngư dân hối hả vận chuyển hải sản lên bờ, đưa vào chợ cá tiêu thụ. Việc đưa hải sản lên bờ không chỉ khuân vác, khiêng thủ công mà ngư dân còn dùng hệ thống thang trượt chắc chắn, có sức tải lớn, được hàn gắn, chế tác bằng kim loại.
Đang thắt chặt đầu dây thừng vào ụ cột trên bờ để ổn định tàu, ngư dân Nguyễn Văn Dũng, xóm Quyết Thắng, xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết: Việc cập cảng cá Lạch Vạn sớm thì hải sản khai thác được sẽ bán có giá, chất lượng nguồn hải sản tôm, cá, mực cũng tươi, ngon hơn.
Trung bình phải mất từ 30 đến 50 phút để hoàn tất việc cập bến, neo đậu và vận chuyển hải sản lên bờ. Việc bán buôn hải sản đã có chị em phụ nữ. Hoàn tất việc chuyển hải sản lên bờ, các thuyền viên sẽ nhanh chóng lau chùi, rửa khoang thuyền sạch sẽ để rời cảng, về khu neo đậu tiếp thêm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, bổ sung hoặc sửa sang ngư lưới cụ để tiếp tục gối chuyến vươn khơi trong thời gian sớm nhất.
Nguồn hải sản vừa tập kết lên bờ nhanh chóng được đưa vào chợ cá bằng xe đẩy, xe kéo, xe ba gác… Một lượng lớn cá nhỏ cũng được chở đi tiêu thụ tại các cơ sở chế biến nước mắm.
Những ngày gần Tết, chợ thu hút hàng ngàn người là tiểu thương, chủ các lò nướng hải sản, chủ nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cơ sở chế biến hải sản và người dân ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Diễn Châu tìm về mua hải sản để sử dụng vào dịp Tết, bán buôn, tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn, phân phối lên huyện miền núi phía Tây Nghệ An như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương…
Chị Nguyễn Thị Hằng, là chủ lò nướng cá biển ở xóm Đông Lộc, xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết, ngày bình thường, lò nướng cá biển của gia đình nướng và tiêu thụ từ 2 đến 4 tạ cá các loại. Hơn 1 tuần qua, nhu cầu nguồn cá biển của thị trường trong và ngoài huyện vào dịp gần Tết tăng cao nên mỗi ngày cơ sở lò nướng của gia đình sơ chế và nướng từ 4 đến 5 tạ cá biển các loại. Cuối năm, cơ sở chế biến hải sản ở các xã ven biển, bãi ngang cũng hoạt động hết công suất, cần nguồn nguyên liệu lớn. Do đó lượng người đổ về chợ đêm rất đông, ai cũng đi sớm để mua được nguồn hàng ưng ý, chất lượng.
* Đa dạng nguồn hải sản tại chợ đầu mối
Chợ đêm Lạch Vạn nổi tiếng về chất lượng nguồn hải sản tươi, ngon, đặc biệt là đa dạng mặt hàng, kích thước hải sản. Trên diện tích trải dài hàng trăm mét dọc sông Lạch Vạn, hàng trăm tiểu thương bày bán vô số các loại cá, tôm, mực, ghẹ, ốc, bề bề. Các loại hải sản được đựng trong thùng xốp, rổ tre, khay nhựa, thau nhôm… để trên các sạp rất thuận tiện cho người mua xem hàng, lựa chọn trước khi thanh toán.
Tùy từng loại hải sản mà người bán dùng loại vật dụng chứa đựng riêng biệt nhằm đảm bảo hải sản được tươi lâu hơn, giữ chất lượng. Ngoài tôm, mực, ghẹ, ốc, bề bề, các loại cá được bày bán ở chợ Lạch Vạn rất phong phú, đa dạng, sinh sống nhiều ở vùng ngư trường miền Trung như: Cá thu, cá lưỡng, cá trác, cá hổi, cá thửng (mối), cá lẹp, cá đù, cá đối, cá thèn, cá bạc má, cá nhồng, cá lịch, cá ngạnh, cá dơi, cá khoai, cá lô cố, cá nục….
Là chợ đầu mối lớn nhất trên địa bàn huyện Diễn Châu, đồng thời là chợ duy nhất trên địa bàn chỉ bán buôn mặt hàng hải sản, nhiều năm qua tại chợ Lạch Vạn đã phát triển dịch vụ sơ chế hải sản ngay tại chỗ khi khách hàng có nhu cầu. Đặc biệt, xung quanh chợ, nhiều cơ sở nướng cá biển truyền thống bằng than hoa đã phát triển, góp thêm một nét độc đáo, đặc trưng cho chợ đêm ở “miền chân sóng” Bích Ngọc.
Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND Ngọc Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết: Địa phương có gần 470 tàu, thuyền chuyên khai thác hải sản, trong đó có 170 phương tiện có chiều dài từ 15m trở lên, công suất máy từ 90CV đến 820CV. Xã Ngọc Bích có số lượng tàu, thuyền lớn nhất huyện Diễn Châu. Trên địa bàn có nhiều làng, xóm có nền kinh tế thuần ngư với nghề chính là khai thác hải sản, chế biến nước mắm, nướng cá biển, đan lưới giã… Hiện, toàn xã có hơn 200 cơ sở nướng cá biển, mỗi cơ sở có từ 2 đến 4 lò nướng. Dịp gần Tết, các lò nướng nổi lửa suốt đêm ngày. Trung bình mỗi lò nướng giải quyết việc làm cho từ 2 đến 5 lao động với thu nhập ổn định.
Đặc biệt, từ gần 1 tháng nay, ngư dân xã Ngọc Bích đã tận dụng tối đa thời gian trong những ngày thời tiết thuận lợi để gối chuyến vươn khơi với mong muốn khai thác được nhiều hải sản, cung ứng đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn trong và ngoài huyện. Từ đó ngư dân cũng có một cái Tết ấm no hơn, không khí đón Xuân càng sum vầy, hạnh phúc./.
- Từ khóa:
- nghệ an
- Trải nghiệm
- chợ hải sản
- miền chân sóng