Xã hội

Ngư dân Quảng Ninh quyết tâm bám biển

Quảng Ninh

Sau bão số 3, nhiều ngư dân gần như tay trắng phải trở lại "vạch xuất phát", song họ vẫn quyết tâm bám biển, “ngã ở đâu đứng lên ở đó”.

 

Các bè mảng được ngư dân thị xã Quảng Yên gia cố để khôi phục hoạt động nuôi trồng.
Ảnh minh họa: Thanh Vân - TTXVN

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với 2.700 cơ sở nuôi trồng của tỉnh Quảng Ninh, tương đương khoảng gần 3.700 tỷ đồng. Mặc dù rất khó khăn, ngư dân gần như tay trắng phải trở lại "vạch xuất phát", song họ vẫn quyết tâm bám biển, “ngã ở đâu đứng lên ở đó”.

* Cần sớm điều chỉnh điều kiện giao khu vực biển

Sau bão số 3 nhiều ngư dân, tổ chức thiếu tư liệu sản xuất, do tỉnh Quảng Ninh chưa hoàn thành việc bàn giao khu vực biển cho ngư dân, bởi có rất nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Theo quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP, ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định về việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển, các tổ chức, cá nhân để được giao khu vực biển phải đáp ứng các điều kiện sau: tổ chức cá nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản cho phép khai thác sử dụng tài nguyên ở khu vực biển đề nghị giao. Khu vực biển đề nghị giao phù hợp với quy hoạch theo quy định tại Điều 5 (căn cứ giao khu vực biển); tổ chức cá nhân phải nộp đủ hồ sơ đề nghị giao khu vực biển theo quy định tại Điều 15 (hồ sơ đề nghị giao khu vực biển) cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Kèm theo đó là những điều, khoản khác phải đảm bảo. Tuy nhiên, việc hoàn thiện được các thủ tục này không hề đơn giản với các cá nhân, cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Ninh, các quy định tại Nghị định 11 cần sớm điều chỉnh. Cụ thể đối với cấp tỉnh, việc thẩm định hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong vùng biển từ 3-6 hải lý. Ngoài ý kiến của các cơ quan Quân đội, Công an cấp tỉnh còn phải lấy ý kiến của 4 bộ, ngành liên quan là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên và Môi trường, dẫn đến thủ tục hành chính phức tạp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nuôi trồng thủy sản biển khó tiếp cận.

Cùng với đó, đến hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa công bố, rà soát, chỉnh lý đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phần đất liền và các đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo; đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý.

Anh Đặng Văn Vinh, thuộc Hợp tác xã Thắng Lợi, nuôi trồng thủy sản tại khu vực biển hòn Cạp Vọ phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả và khu Trương Vân thôn Cống Tây xã Thắng Lợi huyện Vân Đồn chia sẻ, sau bão số 3 các địa phương sắp xếp lại khu vực nuôi, cơ sở của anh nuôi tại xã Thắng Lợi không được bố trí vị trí nuôi, với lý do huyện Vân Đồn ưu tiên sắp xếp cho người địa phương.

Anh Vinh cho biết như vậy sẽ rất khó khăn cho các thành viên của hợp tác xã, vì họ đã gắn bó rất nhiều năm với biển. Sau bão số 3 phải đối mặt với khoản nợ cũ, nợ mới phát sinh, nếu như không có tư liệu sản xuất thì sẽ rất khó khăn để khôi phục nuôi trồng, kiếm kế sinh nhai và tích lũy trả nợ.

"Mặt khác hiện nay, nếu theo quy định của Nghị định 11 của Chính phủ, khi làm hồ sơ đề nghị giao mặt biển ngư dân, hợp tác xã phải thực hiện khá nhiều thủ tục; trong đó, có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, cùng nhiều yêu cầu khác mà năng lực của họ khó có thể đáp ứng được", anh Vinh bày tỏ thêm.

Vì vậy, các địa phương như Vân Đồn, Cô Tô có các đảo diện tích lớn, có nhiều dân cư sinh sống và các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả chưa đủ căn cứ pháp lý để xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phần đất liền và các đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo; đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý để làm cơ sở thực hiện thủ tục giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản.

Đối với cấp huyện, việc quản lý nhà nước trong thực hiện giao, cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương chưa chặt chẽ, không có sự thống nhất giữa huyện và xã về danh sách các tổ chức, cá nhân đang nuôi trồng thủy sản trên biển đã được cấp quyền sử dụng mặt nước.

Một số tổ chức, hợp tác xã đã được UBND huyện ban hành quyết định cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa thực hiện các thủ tục tiếp theo đảm bảo theo quy định hiện hành. Việc triển khai thực hiện thủ tục hồ sơ đánh giá tác động môi trường, đề nghị cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản theo quy định còn lúng túng.

* Tạo điều kiện cho người nuôi biển

Hiện nay một số địa phương đã triển khai việc giao khu vực biển cho người dân theo thẩm quyền trong khu vực quản lý 3 hải lý và hộ nuôi dưới 1 ha (bởi theo quy định thì các hộ nuôi dưới 1ha không phải làm thủ tục về quyết định đánh giá tác động môi trường).

Theo đó, ngày 30/9 vừa qua, UBND huyện đã trao quyết định giao khu vực biển thuộc thẩm quyền giải quyết trong khu vực quản lý 3 hải lý cho 5 các hộ trực tiếp nuôi cá biển tại vùng nước thuộc địa bàn thị trấn Cái Rồng, với tổng diện tích 2,5ha (mỗi 1 gia đình 0,5ha).

Ngoài ra, UBND huyện Vân Đồn đã hoàn thành các thủ tục giao xong vị trí, tọa độ, mốc giới, diện tích khu vực biển cho gần 600 hộ gia đình của 50 hợp tác xã trên địa bàn, với diện tích 4.553ha.

Hiện tại ở các xã, thị trấn đã có 75 hộ có vị trí, tọa độ, mốc giới đã triển khai chăng dây, buộc phao nuôi hàu, với diện tích 495ha. Đến nay, đã có 90ha được bà con thả nuôi hàu giống. Nhưng các trường hợp này cũng chưa có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, hiện huyện vẫn đang vừa ổn định, khôi phục sản xuất, vừa song song hoàn thiện các thủ tục.

Anh Vũ Văn Tuyên (sinh năm 1994), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường An (phường Tân An, thị xã Quảng Yên) cùng nhiều hộ nuôi khác bày tỏ, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các tổ chức, cá nhân sẽ gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý. Do đó, anh cùng các hộ nuôi đề xuất nên chăng cần có đầu mối đứng ra thực hiện đánh giá tác động môi trường tổng thể khu vực được quy hoạch nuôi, đồng thời sẽ cho các hộ dân, tổ chức ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, đóng các khoản phí theo quy định. Để từ đó sớm tháo gỡ, có phương án sớm giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để tái ổn định khôi phục sản xuất.

Để sớm gỡ khó trong việc giao khu vực biển, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Đồng thời, chủ trì rà soát, tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đánh giá tác động môi trường; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp Tỉnh

Các địa phương ven biển như: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên cần tăng cường quản lý quy hoạch và giao khu vực biển phục vụ nuôi thủy sản. Khẩn trương rà soát, xác định cụ thể nhu cầu sử dụng khu vực biển nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn./.

PV

Xem thêm