Sức khỏe

Thêm nhiều cơ hội cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Gia Lai

Tính đến 31/12/2023, cả nước có khoảng trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 28,3%, tương đương gần 2 triệu trẻ em.

Các đại biểu tham dự lớp tập huấn
Ảnh: Lê Hảo

Nhằm tăng cường các kiến thức, kỹ năng phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật, trong 3 ngày từ 9-11/10, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức khóa tập huấn: “Nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật” cho các học viên là cán bộ y tế tuyến huyện và xã của một số cơ sở y tế thuộc tỉnh Gia Lai.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hổi chức năng tỉnh Gia Lai, đại diện UNICEF Việt Nam cùng các chuyên gia đến từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tham dự lớp tập huấn.

* Cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật

Phát biểu tại lớp tập huấn, Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới tại thời điểm năm 2019, cứ ba người thì có một người gặp phải tình trạng sức khỏe cần phục hồi chức năng. Tỷ lệ hiện mắc các bệnh cần phục hồi chức năng trên thế giới là 31.200/100.000 dân, tương đương 2,4 tỷ người.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, tính đến 31/12/2023, cả nước có khoảng trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 28,3%, tương đương gần 2 triệu trẻ em.

Các em bị tật nguyền chủ yếu ở các dạng như: điếc (khuyết tật thính giác, mất khả năng nghe); mù, lòa (khuyết tật thị giác - khiếm thị); què, quặt, liệt (khuyết tật vận động, bị tổn thương các cơ quan vận động như tay, chân, cột sống gây ra khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại, đứng, ngồi hay nằm); câm (khuyết tật ngôn ngữ, bị tật ở cơ quan tiếp nhận chỉ huy ngôn ngữ vùng não và tổn thương của bộ phận phát âm làm ảnh hưởng đến ngôn ngữ giao tiếp của trẻ; thiểu năng não (khuyết tật trí tuệ, suy giảm năng lực nhận thức, chỉ số thông minh thấp, trẻ không thích nghi được các hoạt động xã hội); đa tật (bị nhiều loại khuyết tật cùng lúc)....

Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trao đổi tại lớp tập huấn
Ảnh: Lê Hảo

Trong số các em bị tàn tật, có rất nhiều em do sinh ra từ cha mẹ từng bị phơi nhiễm do ảnh hưởng chất độc da cam trong chiến tranh, phải tiếp tục mang những dị tật bẩm sinh cả về thể xác lẫn trí tuệ, thường bị các dị tật như hở hàm ếch, thiếu hoặc thừa ngón chân, ngón tay, não úng thủy, vô sọ, thoát vị não - màng não, thoát vị tủy - màng tủy...

“Vì vậy, phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ em hết sức quan trọng do có tác động tích cực tới trẻ, cha mẹ, gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng dân số, tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống tốt đẹp hơn”, Tiến sĩ Vương Ánh Dương nhấn mạnh.

Lớp tập huấn cũng là hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 359/QĐ-BYT ngày 31/3/2023 của Bộ Y tế về Ban hành hướng dẫn Phát hiện sớm - Can thiệp sớm trẻ em khuyết tật (sửa đổi bổ sung Quyết định số 970/QĐ-BYT năm 2012) hướng dẫn các cấp chuyên môn Y tế triển khai thực hiện

*Cơ hội cho trẻ khuyết tật phát triển bình thường

Tại lớp tập huấn, các tiến sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo và kinh nghiệm lâm sàng đã cung cấp kiến thức về công tác chuẩn bị tổ chức phát hiện sớm can thiệp sớm trẻ khuyết tật; việc tổ chức thực hiện phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật; hướng dẫn thực hiện sàng lọc phát hiện rối loạn phát triển và dấu hiệu nghi ngờ khuyết tật; khám đánh giá, phân loại khuyết tật và đánh giá nhu cầu can thiệp…

Theo các chuyên gia y tế, nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm nhiều trẻ khuyết tật sẽ phục hồi tốt và trở thành trẻ bình thường (Ví dụ: trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh hoặc trật khớp háng bẩm sinh, trẻ tự kỷ nhẹ có chỉ số IQ bình thường).

Quang cảnh lớp tập huấn
Ảnh: Lê Hảo

Một số trẻ khuyết tật khác có thể phát triển được các kỹ năng gần như trẻ bình thường (Ví dụ: trẻ chậm phát triển vận động và/ ngôn ngữ so với tuổi, trẻ bại não liệt nửa người hoặc hai chân mức độ nhẹ).

Một số trẻ khuyết tật nặng cũng được phục hồi không dẫn đến các khuyết tật thứ phát, các kỹ năng được cải thiện nhiều và có thể hội nhập xã hội (Ví dụ trẻ bại não thể co cứng nặng sẽ không bị co rút biến dạng khớp, tuy không đi lại được nhưng ngồi xe lăn vẫn có thể đi học).

Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm giúp cha mẹ, gia đình trẻ có định hướng đúng để can thiệp phục hồi chức năng hiệu quả nhất cho con. Việc can thiệp sớm khiến cha mẹ bị lôi cuốn một cách tích cực vào quá trình can thiệp, nhờ đó họ phát hiện được khả năng và tiềm năng của trẻ bệnh. Nhờ can thiệp sớm, cha mẹ có thái độ, hành vi đúng mực với các vấn đề của trẻ, có kỹ năng xử trí với các vấn đề của trẻ, tăng cường tương tác trẻ - cha mẹ…

Đối với xã hội, can thiệp sớm giúp xã hội nhận thức được thực tế có nhiều trẻ có vấn đề về phát triển trong cộng đồng và quyền được hỗ trợ của trẻ em. Can thiệp sớm cũng làm trẻ trở thành bình thường, tăng cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ và do vậy sẽ làm giảm các chi phí xã hội giúp nâng cao chất lượng dân số./.

 

Lê Hảo

Tin liên quan

Xem thêm