Theo các chuyên gia, phụ nữ khỏe mạnh sẽ sinh con khỏe mạnh, vì vậy cần khám sức khỏe và tư vấn trước khi mang thai.
Quá trình làm mẹ an toàn là một nội dung cốt lõi trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho cả mẹ, trẻ sơ sinh, từ đó giảm tỷ lệ tai biến sản khoa cũng như tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Những chương trình giáo dục về nội dung này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia, trở thành một phần quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên phạm vi toàn cầu.
* Nâng cao nhận thức cộng đồng
Theo các chuyên gia, phụ nữ khỏe mạnh sẽ sinh con khỏe mạnh, vì vậy cần khám sức khỏe và tư vấn trước khi mang thai. Phụ nữ mang thai cần tiêm đầy đủ các mũi vaccine để phòng uốn ván cho cả mẹ và con; ăn uống đầy đủ và uống bổ sung sắt- axit folic; khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ và sinh đẻ tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Đồng thời, chăm sóc đúng cách trong thời kỳ sơ sinh giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt; xét nghiệm sớm viêm gan B, giang mai, HIV để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Để nâng cao chất lượng trong công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em, cần cung cấp thông tin về cách thức làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã; ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tối ưu trong 1.000 ngày đầu đời; người chồng và gia đình cần giúp bà mẹ về vật chất và tinh thần trong quá trình sinh con và chăm sóc trẻ sau sinh; gia đình và cộng đồng cần hỗ trợ để tạo môi trường an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện Trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, các bà mẹ đang chuẩn bị mang thai hoặc chăm sóc em bé cần chuẩn bị kiến thức, tâm lý. Trong quá trình mang thai cần ăn đủ vi chất dinh dưỡng để đảm bảo bào thai khỏe mạnh để có nền tảng phát triển tốt, cho trẻ bú đủ 6 tháng đầu sữa mẹ. Khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo an toàn cho mẹ và trẻ.
Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế đã ban hành công văn hướng dẫn các địa phương và đơn vị liên quan triển khai Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024 trên toàn quốc, thời gian diễn ra từ ngày 1-7/10 với chủ đề: “Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con”. Các hoạt động trọng tâm bao gồm: truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; kết hợp với cung cấp các dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh. Qua đó, chương trình thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các địa phương.
* Nhiều kết quả đáng khích lệ
Tỷ lệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong, sau sinh vẫn luôn duy trì ở mức cao trên bình diện toàn quốc. Số liệu 9 tháng năm 2024 do Bộ Y tế cung cấp cho thấy trên 87.67% số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén; gần 96% cuộc đẻ có cán bộ y tế có kỹ năng đỡ. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong tuần đầu duy trì ở mức trên 72%.
Các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em được triển khai lồng ghép trong chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”; các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện Trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn nền tảng quan trọng trong việc phát triển sức khỏe, thể lực và trí tuệ cho trẻ sau này.
Hoạt động khuyến khích, thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tiếp tục được lồng ghép trong công tác chăm sóc trước, trong và sau khi sinh, chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng.
Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em đang hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” và Ngân hàng sữa mẹ. Việc triển khai “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” đã thúc đẩy các bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế về hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (EENC) và chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng bằng phương pháp Kangaroo (KMC). Các ngân hàng sữa mẹ đã hỗ trợ sữa mẹ dùng chăm sóc, điều trị cho hàng ngàn trẻ sơ sinh mỗi năm, chủ yếu là sơ sinh nhẹ cân, non tháng và bệnh lý. Việc triển khai Ngân hàng sữa mẹ cũng sẽ giúp giảm số trẻ sơ sinh phải nằm tại khu vực điều trị tích cực, qua đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong.
Sau 7 năm hoạt động, ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam tại Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng đã kêu gọi được 618 bà mẹ hiến tặng 12.744 lít sữa; cung cấp cho 35.570 trẻ sơ sinh nhẹ cân, bệnh lý, non yếu. Sữa mẹ được thu thập, xét nghiệm, thanh trùng, bảo quản an toàn từ những người hiến tặng khỏe mạnh và cung cấp cho nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt là trẻ non tháng, nhẹ cân, hoặc bệnh lý.
Mô hình “Ngân hàng sữa mẹ” là đề tài được nhóm 5 bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh triển khai từ tháng 5/2019. Đây là Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở khu vực miền Bắc, thứ 3 toàn quốc. Mô hình này đã huy động được 5.413 lít sữa mẹ thô từ 132 bà mẹ hiến tặng, cung cấp 4.248 lít sữa mẹ thanh trùng cho trẻ. Việc ứng dụng mô hình ngân hàng sữa mẹ những năm qua đã giúp những trẻ sơ sinh non yếu, bệnh lý sẽ được cung cấp sữa mẹ, giúp phòng ngừa được các bệnh lý liên quan nhiễm khuẩn, giảm tỉ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh. Với những giá trị nhân văn cao cả, “Ngân hàng sữa mẹ” của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được vinh danh trong Sách Vàng sáng tạo Việt Nam năm 2023.
Những năm gần đây, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được quan tâm, đầu tư từ nguồn lực nhà nước thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nội dung quan trọng như dự phòng, kiểm soát ung thư đường sinh sản, sàng lọc phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ cha mẹ sang con, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên, sức khỏe sinh sản nam giới… vẫn chưa có được cơ chế, nguồn lực tài chính ổn định để thực hiện. Còn sự khác biệt tương đối rõ rệt giữa các vùng miền với tỷ lệ thấp nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Trong bối cảnh hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là chương trình làm mẹ an toàn, đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn đối diện với không ít thách thức. Để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cộng đồng và gia đình. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, còn góp phần vào sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai. Việc duy trì và phát triển các chương trình như Tuần lễ Làm mẹ an toàn không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế, còn là của toàn xã hội, nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho những người mẹ và trẻ em - tương lai của đất nước./.
- Từ khóa:
- bà mẹ
- trẻ em
- sức khỏe
- Bộ Y té
- Làm mẹ an toàn