Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút, hiện tại tình trạng người nhận ổn, kết quả ban đầu khá khả quan, có thể nhìn được 1/10 và tự đi lại được.
Sáng sớm 25/9, Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 nhận được điện thoại thông báo, người con trai muốn hiến giác mạc của mẹ để mang lại ánh sáng cho người bệnh mù lòa.
Ngay lập tức, các ekip của Ngân hàng Mô khởi động, nhanh chóng di chuyển đến tận nơi để lấy giác mạc.
Người hiến giác mạc là cụ bà 75 tuổi, qua đời lúc 5 giờ 18 ngày 25/9. Người gọi điện đến Ngân hàng Mô, bày tỏ muốn hiến giác mạc của bà là con trai, hiện là bác sĩ quân y.
Chị Thuỷ Dương – cán bộ Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mặt Hà Nội 2 xúc động chia sẻ, trong suốt quá trình thu nhận giác mạc, người con trai chỉ đứng lặng lẽ quan sát từ một góc phòng. Chỉ đến khi các kỹ thuật viên đã lấy giác mạc xong, người con trai ấy mới lại gần, đặt tay lên mái tóc của mẹ, rồi ôm lấy mẹ mà bật khóc... Anh ôm mẹ lần cuối cùng sau khi hiến tặng giác mạc của mẹ để mang lại ánh sáng cho người khác.
Giác mạc của người mẹ được ghép thành công cho 2 bệnh nhân, ở Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và Bệnh viện Quân y 103.
Chia sẻ với báo chí về kết quả ca ghép giác mạc tại bệnh viện, chiều 30/9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Châu - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, người phụ nữ nhận giác mạc của bà cụ là N.T.V (65 tuổi, ở Thái Nguyên), mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc có tính chất di truyền, đã phải sống trong cảnh lòa cả hai mắt 10 năm nay. Do nguồn giác mạc khan hiếm nên bà V vẫn phải chờ đợi, việc sinh hoạt vô cùng khó khăn khi phải phụ thuộc vào người khác.
Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút, hiện tại tình trạng người nhận ổn, kết quả ban đầu khá khả quan, có thể nhìn được 1/10 và tự đi lại được. Ngày 30/9, bệnh nhân được ra viện.
Tái khám sau 4 ngày phẫu thuật, khi được các bác sĩ gỡ băng gạc ở mắt, bà V rưng rưng xúc động khi có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh sau hơn 10 năm.
Bà V chia sẻ, 10 năm qua, bà không nhìn thấy gì ngoài ánh sáng mờ ảo, đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt đều bị hạn chế. Thậm chí nhiều khi bà còn không thể hình dung được khuôn mặt của những người thân yêu trong gia đình thay đổi ra sao...
Chia sẻ về câu chuyện của mình trong nỗi xúc động, bà V cho biết, thực sự là phép màu đã đến với tôi. “Khi thông báo có giác mạc hiến và được lựa chọn ghép, tôi hồi hộp đến không ngủ được. Đến khi lên bàn mổ rồi vẫn cứ là mơ, khi đã chờ đợi vài nghìn ngày không có giác mạc dành cho mình".
Bà kể lại, khi vừa tỉnh dậy từ ca phẫu thuật, tôi thấy rất phấn chấn, mặc dù lúc đó đầu óc vẫn chưa được minh mẫn. "Vài tiếng sau đó, bác sĩ bảo tôi mở mắt và nhìn thấy mọi người trước mặt, tôi vỡ òa sung sướng vì hơn 10 năm tôi chỉ thấy ánh sáng lờ mờ, không thấy hình người. Tôi thấy hạnh phúc vô cùng, bởi giờ đây tôi đã có thể nhìn thấy mọi người xung quanh tôi thật rõ rệt. Giờ đây tôi không còn sợ ánh sáng nữa. Tôi chỉ mong được về quê để gặp và nhìn lại từng khuôn mặt của người thân mình. Tôi biết ơn người đã cho tôi ánh sáng này và sẽ cố gắng để gìn giữ đôi mắt mà bà đã để lại cho tôi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Châu cho biết thêm, tình trạng hiện nay của bệnh nhân mới chỉ là kết quả ban đầu, thời gian tới cần phải theo dõi, tái khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời phải thực hiện nghiêm ngặt theo tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như không vận động nặng, tránh tác động từ môi trường khói bụi, va đập vào mắt…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Châu, hiện nay nguồn hiến tặng mô tạng nói chung, giác mạc nói riêng vẫn còn hạn chế, trong khi danh sách chờ được ghép tạng, trong đó có ghép giác mạc gia tăng.
Riêng về giác mạc, một người chết não hiến tặng có thể đem lại ánh sáng cho 2 người mù lòa khác. Bởi vậy, chúng tôi rất mong mọi người có thể lan tỏa nghĩa cử hiến mô, tạng, giác mạc cao đẹp để tiếp tục trao cơ hội cho những người đang chờ ghép mô, tạng, giác mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Châu bày tỏ mong muốn.
Hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc ở nước ta rất lớn do nhiều bệnh tật khác nhau gây ra (dị tật bẩm sinh, chấn thương, bỏng, viêm nhiễm…) nhưng nguồn giác mạc hiến rất khan hiếm do rào cản tâm lý, văn hóa, pháp lý.
Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 30.000 người mù vì bệnh lý giác mạc, họ cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30-60, có cả trẻ em.
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4/2007 của cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ở Kim Sơn, Ninh Bình). Đến nay, cả nước đã ghi nhận 963 người hiến giác mạc, trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến), Nam Định (332 người hiến). Cả nước có hơn 20 tỉnh, thành phố có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất.
Bất cứ ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc./.
- Từ khóa:
- ghép giác mạc
- hiến bộ phận cơ thể
- mù loà