Sức khỏe

Chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam tiệm cận các nước tiên tiến

Cần Thơ

Đây là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo khoa học lần thứ XIII, do Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ tổ chức từ ngày 26-27/9.

Chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam đã tiệm cận các nước tiên tiến trên thế giới là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo khoa học lần thứ XIII, do Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ tổ chức từ ngày 26-27/9.

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Kha, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. 
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Văn Kha, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cho biết, hội thảo thu hút đông đảo giới khoa học, chuyên gia, bác sĩ trong nước và quốc tế tham dự; thảo luận, chia sẻ những tiến bộ về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư. Đây là diễn đàn quan trọng thường niên để các chuyên gia, nhân viên y tế thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật những tiến bộ mới trong khám và điều trị cho bệnh nhân ung thư, từ đó tiến gần hơn tới mục tiêu kiểm soát ung thư.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam cho biết, bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Căn bệnh này là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong trên thế giới cũng như ở Việt Nam, sau bệnh tim mạch. Theo dữ liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu năm 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỷ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng đưa ra thông tin khả quan là: với hơn 200 bệnh ung thư khác nhau, 60% có thể điều trị khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần nếu bệnh được chẩn đoán sớm.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam phát biểu tại sự kiện. 
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vương Diệu Linh (Bệnh viện K, Hà Nội) trong phần báo cáo về ung thư vú đã chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc ung thư vú của phụ nữ ở các nước phát triển cao hơn 80% so với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân tại các nước đang phát triển lại cao hơn 20%. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến khả năng tiếp cận các chương trình sàng lọc để được phát hiện bệnh giai đoạn sớm. Các bệnh nhân ung thư nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có tỷ lệ sống thêm 5 năm lên đến 90%. Thậm chí một nghiên cứu gần đây trên nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã khẳng định, quy trình khám - điều trị - chăm sóc bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, tương đồng với các quốc gia tiên tiến, kể cả về tay nghề bác sĩ, thiết bị máy móc, thuốc… Các phương thức chẩn đoán như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, nội soi đường tiêu hóa, giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử, SPECT, PET/CT... kết hợp với các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, các thuốc điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch... đã hỗ trợ tích cực trong kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Đặc biệt, hiện nay rất nhiều thuốc điều trị ung thư là thuốc hiếm và đắt đỏ đã được cập nhật vào danh mục thuốc được Bảo hiểm y tế Việt Nam chi trả, giúp người bệnh yên tâm điều trị, không còn quan niệm ung thư là bệnh nan y và vô cùng tốn kém.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện K cho biết: Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư trước và sau can thiệp đóng góp lớn vào sự thành công trong liệu trình điều trị. Đó là vai trò của các điều dưỡng trong kiểm soát đau, chăm sóc vết mổ, hướng dẫn phục hồi chức năng, chế độ dinh dưỡng; dự phòng và phát hiện các biến chứng sau phẫu thuật…

Chính phủ vừa ban hành Quyết định 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023, cập nhật lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất.

Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tích cực tham gia và triển khai mạnh mẽ các hoạt động trong khuôn khổ các chiến lược toàn cầu, đặc biệt đối với những bệnh ung thư có thể dự phòng, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Trong khi đó, người dân Việt Nam còn khá thờ ơ với việc khám tầm soát sức khỏe định kỳ. Vì vậy, mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến khám ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Để giảm thiểu tỷ lệ mắc cũng như tử vong do ung thư, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chẩn đoán và điều trị sớm cho bệnh nhân ung thư.../.

Hoàng Ánh Tuyết

Xem thêm