Sức khỏe

Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược

Bộ Y tế cũng đang rà soát, sửa đổi Luật Dược để trình Quốc hội xem xét với định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất...

Đây là chủ đề hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức ngày 25/9, tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu cùng lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo
Ảnh: BTCCC

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược”, Hội thảo đưa ra những phân tích, góc nhìn khách quan về thực trạng đổi mới sáng tạo ngành y dược Việt Nam; về các xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới; về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững ngành y dược trong giai đoạn mới, những động lực mới, vai trò của các bên liên quan, cũng như những bài học kinh nghiệm từ các nước.

Hội thảo đã tạo diễn đàn mở trao đổi về những giải pháp, những động lực cho đổi mới sáng tạo ngành y dược trong giai đoạn mới, giúp phát triển bền vững ngành Y tế và tăng cường tiếp cận y tế chất lượng cao cho người dân.

* Thúc đẩy tiến bộ trong nghiên cứu y học và sản xuất dược phẩm

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh nhấn mạnh: Tại Việt Nam, đổi mới sáng tạo trong ngành Y tế đã và đang giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học và sản xuất dược phẩm.

Tuy nhiên, để đổi mới sáng tạo thực sự là liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược vẫn đòi hỏi việc giải quyết tổng hòa rất nhiều nhiệm vụ cụ thể, từ việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế có chất lượng cao, đến hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế trên cơ sở bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh và kịp thời điều chỉnh quy định của pháp luật có liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, 2024 là một năm then chốt với việc rà soát, sửa đổi các luật và quy định quan trọng định hình hoạt động của ngành y dược trong một thập kỷ tới đây, góp phần thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững, và kiến tạo một hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Các chuyên gia thảo trao đổi, thảo luận tại hội thảo
Ảnh: BTCCC

Bộ Y tế cũng đang rà soát, sửa đổi Luật Dược để trình Quốc hội xem xét với định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vaccine và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương... của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.

Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Về thuốc, trước tiên phải có nguyên liệu làm thuốc, Việt Nam có tiềm lực lớn về vùng nguyên liệu. Nguồn nhân lực, con người trong ngành sản xuất thuốc cũng rất sẵn sàng. Theo các quy định sửa đổi, chúng tôi đề xuất những ưu tiên cho việc sản xuất thuốc tại Việt Nam, bao gồm việc ưu tiên cấp giấy phát hành, ưu tiên nằm trong danh sách thuốc được ban hành…”.

* Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư

Hội thảo diễn ra trùng hợp với thời điểm Quốc hội chuẩn bị xem xét biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016.  Các chuyên gia và đại diện của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực y dược như Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Takeda; Chủ tịch Pharma Group; Tổng Giám dốc Viatris Việt Nam và các thị trường liên minh châu Á; Tổng Giám đốc Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam… đã chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm; đầu tư thành lập, phát triển các trung tâm nghiên cứu, trung tâm thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm tương đương sinh học, thử nghiệm tương tự sinh học…, mang đến những kiến giải sâu sắc, góp phần thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho ngành y dược Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma Group chia sẻ, mặc dù ngành dược phẩm Việt Nam vẫn đang phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tận dụng được hết năng lực và khả năng cạnh tranh trong khu vực.

“Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ của các nước trong khu vực với các chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư cũng như không ngừng cải thiện các quy định, Việt Nam cần nhanh chóng gia tăng các nỗ lực trong công cuộc thu hút FDI và đổi mới, sáng tạo”, Chủ tịch Pharma Group đề xuất.

Ông Darrell Oh cho rằng, hiện có 3 yếu tố quan trọng Việt Nam cần tập trung, đó là tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư thông qua các chính sách rõ ràng, mang tính dự báo, bền vững để tạo động lực cho các công ty ưu tiên đưa các liệu pháp tiên tiến nhất đến Việt Nam sớm hơn cũng như sẵn sàng đầu tư dài hạn tại đây; đưa ra các chính sách ưu đãi ưu tiên lĩnh vực đổi mới, phát minh như thiết lập trung tâm nghiên cứu, phát triển, khuyến khích đầu tư vào các giai đoạn sớm của quy trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm như nghiên cứu lâm sàng và nâng cao năng lực sản xuất. và cuối cùng là có một quy trình thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược hiệu quả.

Toàn cảnh hội thảo
Ảnh: BTCCC

Bà Radhika Bhalla, Tổng Giám đốc Viatris Việt Nam và các thị trường liên minh châu Á đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế và Ban soạn thảo trong việc xây dựng Luật Dược (sửa đổi), đưa vào các quy định thiết thực nhằm giải quyết những vướng mắc thực tiễn. Luật Dược (sửa đổi) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và hiện đại hóa ngành y tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và yêu cầu cải thiện chất lượng y tế ngày càng cao.

“Là đơn vị tư vấn pháp luật làm việc nhiều với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi nhận thấy những quy định bổ sung sau trong Luật Dược (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) hoạt động trong lĩnh vực dược”, bà Radhika Bhalla nhấn mạnh.

Cho rằng có một số điều kiện cần và đủ để một quốc gia thành công trong đổi mới y tế, ông Lê Minh Sang, Chuyên gia y tế cấp cao Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề xuất cần thiết lập môi trường thuận lợi cho những người đổi mới công nghệ thông tin và những người áp dụng công nghệ thông tin (nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân); cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ số để giải quyết các ưu tiên về y tế công cộng, chẳng hạn như các khuôn khổ/nền tảng hợp tác, quy định thử nghiệm, trợ cấp, ưu đãi…

Đồng thời cần tăng cường sự tham gia và tiếp nhận của người dùng đối với các ứng dụng y tế số, chẳng hạn như cần cải thiện chuyên môn và tổ chức, xây dựng năng lực số cho lực lượng lao động y tế, và kiến thức về công nghệ số trong các nhóm dân số. Cuối cùng là cần duy trì các ứng dụng y tế số, như khả năng tương tác và tích hợp; cơ chế tài chính và hệ thống bồi hoàn; giám sát và đánh giá./.

Bích Thủy

Xem thêm