Sức khỏe

Cuộc gặp gỡ của “Những lá phổi hồi sinh”

Trong cuộc gặp gỡ của “Những lá phổi hồi sinh”, cả ba người đều khỏe mạnh, rạng rỡ, đang sống, học tập, làm việc như những người bình thường khác, với lòng biết ơn cuộc đời, biết ơn những người đã giúp họ hồi sinh.

“Những lá phổi hồi sinh” là tên gọi của cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa 3 người được ghép phổi vẫn đang sống khỏe mạnh, do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức ngày 23/9, tại Hà Nội.

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ niềm vui với người được ghép phổi
Ảnh: BVCC

Cả ba cuộc đời đều cùng chung một điểm là đã từng cận kề cửa tử, nếu không thụ hưởng những tiến bộ khoa học, không được ghép phổi thì thời gian sống của họ chỉ đếm theo tháng, ngày. Trong cuộc gặp gỡ của “Những lá phổi hồi sinh”, cả ba người đều khỏe mạnh, rạng rỡ, đang sống, học tập, làm việc như những người bình thường khác, với lòng biết ơn cuộc đời, biết ơn những người đã giúp họ hồi sinh.

Kể từ khi nhận lá phổi hiến từ tháng 7/2020, 4 năm qua, cuộc sống ông Nguyễn Xuân Toại (Thanh Hóa) đã thực sự là những bước thay đổi ngoạn mục. Với tiền sử viêm phổi kẽ, từ một người với cơ thể yếu ớt, bệnh tật, được nhận 2 lá phổi từ người cho chết não, nay ông đã trở nên khỏe mạnh hơn, tự đi, tự ăn, tự thở, tự phục vụ bản thân. Ông Toại đã trở thành trường hợp sống lâu nhất tại Việt Nam sau ghép phổi.

Chia sẻ niềm vui về một cuộc sống mới, ông nói, đây làm niềm hạnh phúc lớn khi được tiếp tục sống, chia sẻ hạnh phúc với người thân trong gia đình. Ông Toại mong muốn ngày càng có nhiều người được cứu sống như ông và mong các y, bác sĩ luôn khỏe mạnh để giúp thêm được nhiều ngườiNiềm vui 

Niềm vui ngày hội ngộ
Ảnh: BVCC

Bệnh nhân thứ 2 là cô gái trẻ Phạm Anh Thư (21 tuổi, ở Bắc Kạn) được ghép phổi đúng 30 Tết Giáp Thìn. Hiện tại, Anh Thư đã đã là sinh viên năm 2, cô đã trở về nhịp sống bình thường, đi học, tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, giúp đỡ gia đình công việc hàng ngày… Thư cho biết, em đã tăng 7 kg so với trước khi ghép phổi. 

Bệnh nhân Trịnh Thị Hiền (quê Bắc Ninh) là trường hợp được ghép phổi mới nhất tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Bệnh nhân Hiền ngoài bị tràn dịch màng phổi nặng, còn mắc một bệnh hiếm gặp là bệnh Lymphangioleiomatomatosis (LAM). Bệnh nhân được nhận phổi hiến từ người cho chết não, được điều phối tạng từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đến Bệnh viện Phổi Trung ương vào ngày 2/4 vừa qua.

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khám lại cho bệnh nhân Phạm Anh Thư
Ảnh: BVCC

Đánh giá về ca ghép phổi cho bệnh nhân Trịnh Thị Hiền, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ca này được đánh giá là ca ghép phổi phức tạp, khó khăn hơn, do người mắc nhiều bệnh nền nặng, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do cấu trúc giải phẫu khó, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các chuyên gia phẫu thuật, đồng thời quá trình hồi sức, chăm sóc hậu phẫu diễn phức tạp, cần sự theo dõi khắt khe, can thiệp kịp thời, sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa nhiều chuyên khoa.

“Đây là ca ghép phổi mang đến 'nhiều thử thách' cho đội ngũ chuyên gia, bác sỹ, nhân viên y tế, tuy nhiên vượt qua những khó khăn, đến thời điểm hiện tại, tình trạng sức khoẻ của người bệnh đã hồi phục tốt và sẽ sớm được xuất viện”, bác sĩ Lượng cho biết.

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, từ năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương – Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về Bệnh phổi và lao tại Việt Nam đã làm chủ và phối hợp thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi. Đây là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các chuyên khoa sâu, các quy trình chuẩn bị phổi người cho, phẫu thuật cấy ghép, chăm sóc và hồi sức sau ghép phải sử dụng những kỹ thuật tiên tiến, các loại thuốc, hóa chất, vật tư y tế hiện đại và sự chăm sóc toàn diện của các chuyên gia các chuyên ngành y học.

Nụ cười tươi tắn trên môi Phạm Anh Thư sau 8 tháng được ghép phổi
Ảnh: Bích Thủy

“Sự thành công của các ca ghép phổi vừa qua tại bệnh viện là sự phối hợp của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép phổi tại Việt Nam và sự hỗ trợ từ xa của Trung tâm ghép phổi UCSF - là 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ. Đây là dấu mốc quan trọng, bước tiến quan trọng của y học nước nhà. Tôi rất cảm động khi nhìn thấy các bệnh nhân khỏe mạnh”, bác sĩ Lượng chia sẻ.

Theo bác sĩ Lượng, hiện nay quy trình chẩn đoán, ghép phổi, điều trị trước và sau mổ… tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã đạt tiêu chuẩn như các nước phát triển Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… Thành công của ca ghép phổi này đã góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam. Chương trình ghép phổi sẽ giúp cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được. Bên cạnh đó, các quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị nội khoa và phẫu thuật phổi sẽ như các nước phát triển.

Các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi
Ảnh: BVCC

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương bày tỏ mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia có tên tuổi trên bản đồ thế giới về ghép phổi, trở thành Trung tâm ghép phổi của cả vùng Đông Nam Á./.

 

Bích Thủy

Tin liên quan

Xem thêm