Cán bộ Trạm Y tế xã Gia Thủy tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường; giúp dân khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt, giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra.
Những ngày qua, mưa lớn sau bão số 3 và nước từ thượng nguồn dồn về đã khiến một số địa phương ở Ninh Bình bị ngập lụt, chia cắt trong nhiều ngày. Ngay khi nước bắt đầu rút, các địa phương đã nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống.
Xã Gia Thủy nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ của huyện Nho Quan với 1.685 hộ dân, là nơi chịu tác động nặng nề của hoàn lưu bão, cộng với mưa lớn khiến nước lũ trên sông Hoàng Long dâng cao làm một số cơ quan, trường học và 1.022 hộ dân bị ngập lụt. Địa phương đang nỗ lực cùng người dân xử lý môi trường, thu gom, vận chuyển rác, đồng thời tích cực phun tiêu độc khử trùng. Cán bộ Trạm Y tế xã Gia Thủy tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường; giúp dân khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt, giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra. Ở xã đã ghi nhận 1 người mắc sốt xuất huyết, Trạm Y tế phối hợp với chính quyền địa phương điều tra dịch tễ, xử lý kịp thời và phun hóa chất diệt muỗi theo quy định.
Chị Đào Thị Tâm, Phụ trách Trạm Y tế xã Gia Thủy cho biết, đơn vị đã tiếp nhận các loại thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống lụt, bão do Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cấp, đưa tới người dân với 780 lọ thuốc nhỏ mắt; 2.500 gói thuốc bôi trị nước ăn chân, cùng với phèn, cloramin B để xử lý nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Trạm phối hợp triển khai thu gom, xử lý rác thải đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân tại các khu vực bị ngập lụt.
Từ ngày 8/9 đến nay, thiên tai đã gây ảnh hưởng tới trên 6.000 hộ gia đình tại 86 thôn của 16 xã, thị trấn ở huyện Nho Quan; trong đó có gần 3.700 hộ bị ngập nước. Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và ngập lụt; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra. Đồng thời củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm và sẵn sàng xử lý dịch bệnh. Trung tâm cũng cấp cho các xã trong vùng ngập lụt 440kg phèn chua; 184kg Cloramin B 25%; 1.290 gói thuốc nước trị ăn chân; 3.500 viên Tatanol; 1.000 lọ thuốc nhỏ mắt Tobra; 83 áo phao…
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết, Trung tâm đã hướng dẫn người dân “nước rút tới đâu, làm vệ sinh tới đó”, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa bão lụt. Trung tâm chủ động nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh tại các Trạm y tế và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại vùng ảnh hưởng của mưa lũ và ngập lụt…
Trong đợt mưa lũ này, Ninh Bình có hàng nghìn nhà ở bị ngập sâu khoảng 1-2m, chủ yếu ở huyện Gia Viễn và Nho Quan. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã tổ chức đoàn giám sát hỗ trợ vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh tại vùng ngập lụt xã Gia Thủy (huyện Nho Quan) và xã Gia Thịnh (huyện Gia Viễn) nhằm nhận định nguy cơ, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại cộng đồng, hỗ trợ y tế địa phương cấp phát, hướng dẫn người dân sử dụng hoá chất để xử lý nước dùng trong ăn uống, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh. Trung tâm đã cấp 120kg cloramin B cho Trung tâm Y tế huyện Nho Quan, 50kg cloramin B cho Trung tâm Y tế huyện Yên Mô, 10.000 viên Aquatab cấp cho Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn để vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước.
Bác sĩ Nguyễn Mai Thanh, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình khuyến cáo, việc phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão đòi hỏi người dân phải tuân thủ việc giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống. Nước sinh hoạt nên được đun sôi hoặc xử lý bằng hóa chất khử khuẩn trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn hoặc viên khử khuẩn Aquatabs ngành y tế đã phát cho người dân vùng lũ, tránh sử dụng nguồn nước lũ chưa được xử lý, đồng thời có phương tiện phòng hộ cá nhân như ủng cao su, găng tay… nếu phải tiếp xúc với nước nhiều để hạn chế các vi sinh vật, ký sinh trùng có thể xâm nhập qua da. Đặc biệt, người dân không để trẻ em chơi đùa hoặc tắm rửa bằng nước lũ chưa qua xử lý để hạn chế các bệnh về mắt, da, tiêu chảy…/.