Lực lượng xung kích các xã Trung Đông, Liêm Hải và thị trấn Cổ Lễ cùng xã Phương Định tích cực thực hiện các biện pháp khắc phục, chống tràn đê.
Những ngày qua, nước trên sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy ở Nam Định liên tục lên trên báo động 3 khiến một số vị trí đê xung yếu gặp sự cố. Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, nhanh chóng khắc phục, đảm bảo an toàn hệ thống đê, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra.
* Khẩn trương gia cố những vị trí sạt lở
Mưa lớn và nước lũ từ thượng nguồn đổ về làm nước sông Ninh Cơ đoạn qua xã Phương Định, huyện Trực Ninh dâng cao, một số điểm nước tràn qua mặt đê bối đe dọa trực tiếp đến an toàn của gần 500 hộ dân.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, Công an huyện, các ban, ngành, đoàn thể của huyện, trung đội dân quân cơ động, lực lượng xung kích các xã Trung Đông, Liêm Hải và thị trấn Cổ Lễ cùng xã Phương Định thực hiện các biện pháp khắc phục, chống tràn đê.
Trong sáng 13/9, ở Nam Định trời nắng ráo, mực nước trên sông bắt đầu rút nhưng vẫn ở mức cao. Không chủ quan trước diễn biến thời tiết, người dân xã Phương Định vẫn tiếp tục gia cố đê bằng việc sử dụng xe máy chở từng bao tải cát, vận chuyển ra những nơi xa, củng cố vững vị trí yếu đảm bảo không để mất an toàn tuyến đê Lộ Xuyên. Ông Trần Văn Tâm (người dân xã Phương Định) cho biết, hôm nay mặc dù nước rút nhưng theo giờ thủy triều lên, nước cũng dâng lên. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, nhân dân vẫn tiếp tục gia cố đê. Trong những giờ tiếp theo nếu mực nước ổn định, không tiếp tục dâng lên thì vùng đê của xã có thể giữ an toàn.
Tại thành phố Nam Định, do nước sông Hồng lên cao khiến kênh xả trạm bơm Quán Chuột - nơi tiêu thoát nước cho nội thị thành phố bị sạt lở khoảng 15m. Ngay sau khi phát hiện sự cố tại kênh xả, thành phố đã nhanh chóng huy động lực lượng, thiết bị để đắp bờ ngăn tràn; tổ chức làm đường tạm để đưa thiết bị, máy móc, vật tư vào điểm sạt lở; xếp bao cát chống tràn, đóng cọc… kịp thời khắc phục sự cố. Đồng thời, các đơn vị chức năng đã kiểm tra toàn tuyến kênh, kịp thời gia cố những vị trí xung yếu.
Đến thời điểm hiện tại, sự cố tại kênh xả trạm bơm Quán Chuột đã được xử lý, gia cố bờ kênh và phá đập tạm để đảm bảo tiêu thoát nước. Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định tiến hành mở cánh phai cống xả trạm bơm Quán Chuột; vận hành các tổ máy để tiêu thoát nước phục vụ nhiệm vụ phòng, chống thiên tai... Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định cho biết, sau khi phắc phục xong sự cố, hai trạm bơm Kênh Gia và Quán Chuột đã hoạt động ổn định, đảm bảo vận hành việc tiêu thoát nước cho thành phố.
* Ổn định cuộc sống nhân dân
Theo UBND tỉnh Nam Định, bão và hoàn lưu sau bão số 3 khiến 85 ngôi nhà ở tỉnh bị ngập nước; trên 17.800 ha lúa bị ảnh hưởng; 952 ha rau màu bị thiệt hại, 442 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng... Ngoài ra, hệ thống đê và giao thông đường thủy của tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Ước tính đến nay, tổng thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra là khoảng 181 tỷ đồng.
Để khắc phục hậu quả, thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã yêu cầu các ngành, huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; duy trì nghiêm chế độ trực; theo dõi, nắm chắc tình hình hiện trạng đê, kè, cống và thời tiết; duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt. Công tác tiêu úng, thoát nước tại các khu vực bị ngập, úng được chú trọng; việc sửa chữa đảm bảo hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân được khắc phục khẩn trương.
Các địa phương, đơn vị huy động lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão trở về nhà và kiểm tra chỗ ở đảm bảo an toàn, hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra; đồng thời, huy động các lực lượng dọn dẹp vệ sinh môi trường ở cơ quan, công sở, trường học... để phục vụ hoạt động trở lại bình thường khi đảm bảo các điều kiện./.