Bảo đảm sức khỏe nhân dân vùng bị mưa lũ * Bài 2: Phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ
Để sớm ổn định đời sống người dân, ngành Y tế tỉnh đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nguồn nước sinh hoạt...
Cùng với các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã kịp thời triển khai toàn diện các hoạt động y tế, tập trung tại 2 địa phương bị ảnh hưởng là Nho Quan và Gia Viễn. Để sớm ổn định đời sống người dân, ngành Y tế tỉnh đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nguồn nước sinh hoạt...
* Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã quan tâm, dành tình cảm cho người dân Ninh Bình chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ bằng cách quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm, thuốc... Ngoài sự đóng góp về tiền, đồ dùng thiết yếu thì một lượng lớn thực phẩm đã được các ban, ngành, đoàn thể, các hội nhóm từ thiện và các cá nhân gửi về các vùng lũ. Tuy nhiên, việc phân phối hàng hóa, thực phẩm cho người dân không đơn giản vì phải mất thời gian di chuyển, cung đường gặp khó khăn cộng với thời tiết mưa gió kéo dài nên việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người dân là việc cấp thiết cần quan tâm.
Ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm khi các nhu yếu phẩm, thuốc được trao đến tay người dân, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Theo đó, ngành phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương bị ảnh hưởng đã bố trí lực lượng để tổ chức tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm đảm bảo, cấp phát nhanh nhất có thể cho người dân; duy trì việc tuyên truyền để người dân thực hiện vệ sinh ăn uống tốt nhất trong điều kiện có thể; chủ động dự trữ thuốc men, hóa chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng chủ động xử lý, khắc phục nếu có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh liên quan đến thực phẩm xảy ra.
Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh Ninh Bình khuyến cáo, đối với tổ chức/cá nhân cứu trợ thực phẩm cần ưu tiên quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng, bảo quản dài ngày như: lương khô, các thực phẩm đóng hộp, bao gói kín như thịt, cá, rau củ quả đóng hộp, mỳ ăn liền, xúc xích tiệt trùng, nước uống đóng chai, đóng bình… của các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có ghi nhãn và hạn sử dụng đầy đủ theo quy định; ủng hộ vitamin, men tiêu hóa hỗ trợ sức khỏe cho các đối tượng trẻ em, người già trong vùng bão, lũ. Khi tự chế biến thực phẩm, bao gói hút chân không để hỗ trợ cho người dân vùng bão, lũ cần lưu ý lựa chọn các thực phẩm phù hợp với đóng gói hút chân không như thịt khô, cá khô, bỏng ngô, bỏng gạo, các loại bánh có lá bọc được chế biến đun kỹ (nhiều giờ) như bánh chưng, bánh tét. Sau khi vớt bánh cần để nơi sạch sẽ, ép ráo nước, để nguội trước khi đóng gói hút chân không; đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm. Khi đóng gói và hút chân không nên để mảnh giấy ghi ngày sản xuất bên trong màng gói để người vận chuyển và người sử dụng biết, bố trí thời gian cấp phát, sử dụng phù hợp.
Người sử dụng thực phẩm cứu trợ cần kiểm tra bao gói thực phẩm được cấp phát, cứu trợ trước khi ăn; tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thực phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Đối với các loại thực phẩm do người hỗ trợ tự làm như bánh chưng, bánh dày, bánh tét,... được sản xuất thủ công, tự đóng gói, đóng kín bằng màng bọc hút chân không thì trước khi sử dụng cần quan sát kỹ, nếu phía trong màng bọc có các bóng khí, màng bọc căng phồng hoặc khi mở màng bọc ra thực phẩm bị nhớt, mốc, mùi, vị khác thường thì tuyệt đối không sử dụng. Các loại thực phẩm này có hạn sử dụng ngắn, trong vòng vài ngày, nên cần được biết ngày sản xuất, đóng gói.
* Đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ
Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả đi cùng với sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị, vật tư của ngành Y tế, người dân huyện Nho Quan, Gia Viễn đã được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong điều kiện tốt nhất, không để xảy ra dịch bệnh hay bất thường nào về y tế. Ngay sau khi nước rút dần, công tác y tế dự phòng đang được các đơn vị y tế của 2 huyện tập trung đẩy mạnh, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, dọn dẹp, xử lý môi trường, xử lý nước, thu gom, quản lý chất thải, đảm bảo vệ sinh cá nhân, phòng chống ngộ độc thực phẩm… phấn đấu không để dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết bùng phát.
Bác sĩ Nguyễn Mai Thanh, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, Trung tâm đã tổ chức các đoàn trực tiếp xuống thực địa kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác vệ sinh môi trường, nắm bắt tình hình dịch bệnh, nhận định nguy cơ, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại cộng đồng, đưa ra các phương án phòng chống bệnh phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, triển khai mua bổ sung thuốc và hóa chất phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đủ 3 cơ số cho 3 đội đáp ứng nhanh thực hiện khi có yêu cầu; cấp bổ sung hóa chất (Cloramin B, Permethrin) cho các đơn vị. Tổng hợp nhu cầu thuốc, hóa chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh từ các địa phương để đề xuất Bộ Y tế xem xét hỗ trợ.
Những ngày qua, Trung tâm đã tổ chức các đoàn giám sát hỗ trợ công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương có nguy cơ cao như Gia Thủy (Nho Quan), Gia Thịnh (Gia Viễn)…nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, nhận định nguy cơ, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại cộng đồng, hỗ trợ y tế địa phương thực hiện cấp phát và hướng dẫn bà con vùng lũ sử dụng hóa chất (phèn chua và cloramin B) để xử lý nước dùng trong sinh hoạt, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; đưa ra các khuyến cáo bảo vệ sức khoẻ đối với người dân và y tế địa phương. Trung tâm đã cấp 120kg Cloramin B cho Trung tâm Y tế huyện Nho Quan, 50kg Cloramin B cho Trung tâm Y tế huyện Yên Mô, 10.000 viên Aquatab cấp cho Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn để vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước.
Bà Nguyễn Thị Dung (thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn) trong những ngày mưa lũ luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền cũng như ngành Y tế. Người dân trong thôn được cấp phát thuốc chữa một số bệnh thông thường, hướng dẫn cách đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, phòng bệnh, vệ sinh môi trường.
Bằng cả trái tim "Lương y như từ mẫu", các cán bộ y, bác sỹ đã không chỉ làm tròn nhiệm vụ mà còn là những tấm gương sáng về tinh thần thương yêu, chăm sóc người bệnh như chính người thân của mình, góp phần đưa cuộc sống của đồng bào sớm ổn định trở lại./. (Hết)