Chủ đề của Ngày Tránh thai thế giới 26/9 năm 2024 của Việt Nam khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn, chủ động tránh thai vì lợi ích và hạnh phúc của chính mình.
Ngày 26/9, tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tổ chức Mít tinh hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới (26/9) năm 2024.
Chủ đề của Ngày Tránh thai thế giới 26/9 năm 2024 của Việt Nam là: "Giới trẻ hãy có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình, vì tương lai của đất nước". Chủ đề khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn, chủ động tránh thai vì lợi ích và hạnh phúc của chính mình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bá Nhất, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mục đích của Ngày Tránh thai thế giới là nâng cao nhận thức cho giới trẻ, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về các biện pháp tránh thai, giúp họ có sự lựa chọn để không mang thai ngoài ý muốn. Đồng thời, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương pháp tránh thai, vấn đề xã hội hóa các phương pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản và cung cấp đẩy đủ các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả tới cộng đồng.
Việc chủ động phòng tránh thai sẽ chủ động trong việc sinh con, thời gian sinh, khoảng cách sinh và số con, đảm bảo mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ đã sẵn sàng để nuôi dạy chúng; tránh được những tai biến sản khoa, nhất là ở trẻ vị thành niên, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; nâng cao chất lượng cuộc sống, không sinh quá nhiều con để có điều kiện chăm sóc, giáo dục tốt hơn, nâng cao đời sống, kinh tế của mỗi gia đình.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) khoảng 25 triệu người, dự báo số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.
Mặc dù chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã từng bước được cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Báo cáo kết quả điều tra các mục tiêu Phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam cho thấy: tổng nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình không giảm mà tiếp tục tăng cao, từ 6,1% (năm 2014) lên 10,2% (năm 2021) ở nhóm phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung, đặc biệt tỷ lệ này ở nhóm phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng lên tới 40,7%. Tỉ suất sinh con ở vị thành niên (từ 15-19 tuổi) vẫn còn cao, trên toàn quốc là 42 trẻ sinh ra sống/1000 phụ nữ, cao nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (115 trẻ) và Tây Nguyên (76 trẻ), nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số.
Do vậy, thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Nghị quyết số 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển", không có nghĩa là sẽ không thực hiện kế hoạch hóa gia đình mà vẫn tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 21 đề ra "Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn".
Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp từng bước khắc phục tình trạng mang thai, sinh con ở trẻ vị thành niên; ưu tiên đẩy mạnh các đợt chiến dịch truyền thông cao điểm lồng ghép với cung dịch vụ về dân số, sức khỏe sinh sản thân thiện cho vị thành niên, thanh niên. Đảm bảo mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn được tiếp cận thông tin và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thuận tiện, an toàn và có chất lượng. Ngoài ra, cần triển khai các hoạt động giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên phù hợp với từng lứa tuổi; đặc điểm, tình hình thực tế của mỗi địa phương./.