Giáo dục

Đẩy mạnh công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập

TP. Hồ Chí Minh

Phát triển công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm, vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp đoàn thể...

Ngày 9/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Toạ đàm. 
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có vai trò quan trọng trong xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, đất nước. Với nhiều kết quả tích cực trong việc thúc đẩy xã hội học tập, năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Đây cũng là một dấu mốc để đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài của Thành phố phát triển sâu, rộng hơn nữa.

Quang cảnh buổi toạ đàm. 
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Phát triển công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm, vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp đoàn thể chứ không riêng ngành giáo dục. Công tác này cần phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy đảng; quan tâm hơn nữa về chế độ chính sách, nhân sự thực hiện công tác này ở địa phương, đơn vị; tập trung các giải pháp chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu học tập của các đối tượng, lứa tuổi.

Thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều mô hình học tập được lan tỏa sâu rộng trong xã hội như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập”, góp phần thúc đẩy việc học tập suốt đời của mỗi người dân, góp phần nâng cao nguồn nhân lực cho cơ quan, đơn vị và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ở các địa phương, đơn vị, công tác khuyến học, khuyến tài được chú trọng với đa dạng mô hình như trao học bổng, hình thành câu lạc bộ chăm sóc, hỗ trợ trong đời sống cộng đồng dân cư, mô hình Câu lạc bộ “Cha mẹ tinh thần” đỡ đầu, chăm lo, động viên học sinh nghèo, cơ nhỡ, mồ côi...

Từ thực tế ở các địa phương, đơn vị cho thấy, để thực hiện hiệu quả việc khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo. Cùng với đó là vai trò nòng cốt của Hội khuyến học các cấp, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp, sự phối hợp của nhiều cơ quan đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu nêu rõ một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Công tác khuyến học, khuyến tài trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; quỹ khuyến học phát triển chưa đồng đều…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến kiến nghị Thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ thù lao đối với cán bộ khuyến học ở ấp, khu phố như các tổ chức xã hội đặc thù khác. Cùng với việc đẩy mạnh chương trình học bổng ở mỗi đơn vị, về mặt chính sách chung, các trường đại học đề xuất thành phố có chương trình tín dụng cho sinh viên để các em vay vốn học tập, nhất là trong bối cảnh học phí tăng cao như hiện nay…/.

Thu Hoài

Xem thêm