Giáo dục

70 năm Giải phóng Thủ đô: Ngành Giáo dục Hà Nội hướng đến vươn tầm khu vực và quốc tế

Hà Nội

Các thế hệ học sinh Thủ đô đã trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tài năng, trí tuệ vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Thủ đô và đất nước.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trao phần thưởng đột xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tới các thầy, cô giáo và học sinh trong đoàn đoạt giải tại IMSO 2024. 
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Cùng thời điểm hàng vạn người dân Hà Nội hân hoan đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô, vào những ngày đầu tháng 10/1954 lịch sử, ngành Giáo dục Thủ đô cũng ra đời. Vượt qua bao gian khó, các thế hệ thầy và trò Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, góp phần tạo dựng chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao dân trí.

*Nỗ lực khắc phục khó khăn

Dù bộn bề khó khăn, chỉ 10 ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình (các trường tiểu học khai giảng ngày 15/10, các trường trung học 18/10). Năm đó, Hà Nội chỉ có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông và 1 trường kỹ nghệ thực hành với tổng số chưa đầy một vạn học sinh. Số trường lớp này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường, còn 80% là con em của nhân dân lao động bị thất học, khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ.

Thành phố vừa động viên, khuyến khích, vừa áp dụng các biện pháp để người chưa biết chữ đến các lớp học, đồng thời bố trí, điều động đội ngũ giáo viên và người tình nguyện tham gia dạy học. Giai đoạn 1954 – 1965 - Mười năm đầu tiên sau giải phóng là giai đoạn hết sức có ý nghĩa. Trong đó, ngành Giáo dục Thủ đô vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi nền kinh tế, vừa phải thực hiện những mục tiêu nhằm đẩy nhanh sự phát triển của giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục khi đó không nề hà gian khổ, khó khăn, khắc phục mọi thiếu thốn để đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”. Nhờ đó, ngành Giáo dục không chỉ tăng nhanh về số lượng mà chất lượng cũng được quan tâm nâng cao. Giai đoạn 1965 - 1975, cả dân tộc đứng trước những thử thách khốc liệt, vừa dốc sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, trực tiếp đương đầu và chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, vừa đảm bảo sự nghiệp giáo dục tiếp tục ổn định và phát triển.

Thầy và trò phải sơ tán về các vùng nông thôn xa xôi để dạy và học. Các nhà giáo khi ấy đã nỗ lực vượt qua tất cả, lao động không mệt mỏi vì học sinh thân yêu, vì sự vinh quang mà Đảng và nhân dân giao phó. Số lượng trường, lớp, học sinh không ngừng tăng lên.

Trường Tiểu học Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. 
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất năm 1975, ngành Giáo dục Thủ đô cùng cả nước thực hiện song song nhiệm vụ khôi phục, xây dựng đất nước sau kháng chiến và thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Ngành đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng quán triệt mục tiêu “Coi trọng giáo dục toàn diện, quan tâm đúng mức đến giáo dục lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh…”.

Giai đoạn 1986-2007, đất nước bước vào sự nghiệp đổi mới, giáo dục Hà Nội tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đổi mới cả nội dung và phương pháp đào tạo xứng tầm là một trung tâm giáo dục lớn của cả nước.

Thủ đô trở thành địa phương có phong trào phát triển giáo dục xuất sắc, là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học năm 1990, trung học cơ sở năm 1999. Các ngành học, bậc học phát triển đa dạng như: công lập, bán công, dân lập, tư thục… và có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả.

Trường THCS An Dương Vương (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) đặt mục tiêu xây dựng ngôi trường hạnh phúc, chắp cánh ước mơ cho học sinh. 
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

*Vươn lên mạnh mẽ

Từ năm 2008 đến nay, cùng với việc điều chỉnh địa giới hành chính, quy mô giáo dục của Hà Nội cũng tăng mạnh, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng trường học, số lượng giáo viên và học sinh.

Hà Nội đã có nhiều mô hình, loại hình trường học đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của nhân dân. Các thế hệ học sinh Thủ đô đã trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tài năng, trí tuệ vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Thủ đô và đất nước.

Ngày hội Khoa học-Công nghệ-Kỹ thuật-Nghệ thuật- Toán học, khơi nguồn sáng tạo, lan tỏa đam mê khoa học tới học sinh thủ đô. 
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Giáo dục Hà Nội không ngừng lớn mạnh, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thành phố hiện có 2.913 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên, 1 trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục và 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Thành phố đã công nhận 23 trường chất lượng cao, đồng thời triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn. Năm học 2023 - 2024, Hà Nội đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (cao hơn 43 học sinh so với năm 2023); 3 học sinh đoạt giải tại Kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc gia; 35 học sinh đoạt giải quốc gia trong Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp.

Đội tuyển Việt Nam gồm 4 học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã giành Huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic trí tuệ nhân tạo quốc tế (IOAI) lần thứ nhất năm 2024. 
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Bên cạnh đó, học sinh Thủ đô còn giành 339 huy chương, xếp thứ hai toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024. Nhiều học sinh Thủ đô đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, đặc biệt, có 2 học sinh giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế và Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục có chuyển biến mạnh, tăng 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11)….

*Đưa Thủ đô thành trung tâm tiêu biểu về giáo dục

Tháng 6/2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, đã tạo cơ chế vững chắc để thành phố tập trung nguồn lực, phát triển toàn diện, trong đó có phát triển giáo dục và đào tạo.

Điều 22 đưa ra những kế sách phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô, khẳng định: “Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế”. Luật Thủ đô 2024 nhấn mạnh yêu cầu đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh; bảo đảm bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi Đồng thời không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí.

Để rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục công lập và tư thục, Luật quy định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp…

Các phòng học Trường Mầm non Kim Chung (thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ tốt hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ hằng ngày. 
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, Luật Thủ đô 2024 với nhiều quy định đặc thù cho phép Hà Nội làm được rất nhiều việc. Ngành Giáo dục cần phải đi trước cả nước, giữ vững vị trí “đầu tàu”.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 "đưa" chương trình giáo dục cho các nhà trường quyết định và nhà trường phải gắn với lao động, sản xuất. Muốn làm được vậy, ngành Giáo dục Hà Nội cần tập trung xây dựng trường học với 4 yếu tố: Tự chủ, dân chủ, nhân văn, sáng tạo, trong đó yếu tố tự chủ rất quan trọng. Mỗi nhà trường cần tự chủ để lựa chọn phương pháp giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với học sinh và điều kiện giáo dục, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực, phẩm chất.

Những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai.

Những điểm mới về giáo dục và đào tạo trong Điều 22 Luật Thủ đô 2024 đã thể hiện rõ ý nghĩa sâu sắc, khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng, Nhà nước nói chung và Hà Nội nói riêng về việc đề cao vai trò, vị trí của giáo dục và đào tạo, coi đây là quốc sách hàng đầu nhằm thúc đẩy, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh, bền vững. Đồng thời thực hiện khát vọng phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo Thủ đô trong thời gian tới thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế./.

Nguyễn Cúc

Xem thêm