Tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế từng bước phục hồi và phát triển khá toàn diện, cơ bản các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đều đạt và vượt tiến độ.
Tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương để vượt qua khó khăn, thách thức, dần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII...
Hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 27/8/2021; trong đó xây dựng 7 Chương trình công tác trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm triển khai hiệu quả và phấn đấu thực hiện thắng lợi 3 nhóm chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và 20 chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII với 18 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế từng bước phục hồi và phát triển khá toàn diện, cơ bản các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đều đạt và vượt tiến độ. Một số chỉ tiêu đến hết năm 2023 đã hoàn thành và vượt so với mục tiêu Đại hội XIII đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 6,98%, cao hơn 1,53% so với bình quân của nhiệm kỳ trước (năm 2021 (6,76%); năm 2022 (7,0%); năm 2023 (7,17%); cao hơn mức bình quân của cả nước năm 2023 (5,05%).
Quy mô kinh tế tỉnh Lạng Sơn (GRDP) năm 2023 là 45.481 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 30,3 % so với năm 2020 (năm 2020 là 34.887 tỷ đồng). Thu ngân sách của tỉnh năm 2020 đạt 7.126,1 tỷ đồng; năm 2021 đạt 10.795 tỷ đồng (tăng 34% so với năm 2020); năm 2022 đạt 7.910 tỷ đồng (đạt 100,76% dự toán); năm 2023 đạt 7.806,5 tỷ đồng (đạt 96,4% dự toán). Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước 9.805,4 tỷ đồng, đạt 131% dự toán, tăng 25,8% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 3.195,6 tỷ đồng, đạt 128,6% dự toán, tăng 19,6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6.600 tỷ đồng, đạt 132% dự toán, tăng 29,3%.
Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 - 2023 đạt 52,77 triệu đồng, tăng 38,5% so với giai đoạn 2015 - 2020 (bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là 38,1 triệu đồng) (năm 2021 đạt 46,8 triệu đồng; năm 2022 đạt 51,72 triệu đồng; năm 2023 đạt 59,8 triệu đồng). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 bình quân tăng 19,4%, trong đó xuất khẩu tăng bình quân 30,8%, kim ngạch hàng địa phương tăng bình quân 8,8% (đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội 8-9%).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong 3 năm đạt 95,5 nghìn tỷ đồng. Đã đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; tiếp tục triển khai thực hiện dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B; đã khởi công dự án Khu du lịch Mẫu Sơn và Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn; thành lập 06 cụm công nghiệp, nâng tổng số toàn tỉnh lên 09 cụm công nghiệp. Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80,5%, đạt mục tiêu Đại hội XVII...
Trong 3 năm, Lạng Sơn đã có 1.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn 13.069 tỷ đồng, lũy kế toàn tỉnh có 4.725 doanh nghiệp (tăng 148% so với năm 2019 = 1.905 doanh nghiệp) với tổng vốn đăng ký khoảng 55.500 tỷ đồng; thành lập 150 hợp tác xã, lũy kế tổng số Hợp tác xã hiện có là 511 (tăng 103% so với năm 2019 = 251 hợp tác xã) với tổng vốn đăng ký 1.162,1 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư 50 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 12.000 nghìn tỷ đồng. Trên địa bàn hiện có 28 dự án vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 700,1 triệu USD; trong đó có 19 dự án của nhà đầu tư của Trung Quốc với tổng vốn 85,8 triệu USD; còn lại là các nhà đầu tư của Hồng Kông, Đài Loan....
Tăng tốc phát triển kinh tế
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn thông tin, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lạng Sơn gấp rút hoàn thiện, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; duy trì ổn định các chỉ tiêu đã đạt và vượt, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Tỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác. Tỉnh tăng cường công tác đối ngoại; xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”.
Tỉnh xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp và các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động ít nhất 1 khu công nghiệp và 3 - 4 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy mỗi khu, cụm công nghiệp đạt trên 30%. Cùng với đó, Lạng Sơn huy động mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tiếp tục triển khai các dự án quan trọng theo hình thức đối tác công tư (PPP); vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Tỉnh đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông ra các cửa khẩu, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện, ưu tiên tuyến đường tránh một số thị trấn. Đặc biệt, Lạng Sơn đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ngành; phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh; củng cố và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác; nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược...
Bên cạnh tăng tốc phát triển kinh tế, tỉnh Lạng Sơn cũng chú trọng đến công tác tổ chức xây dựng Đảng; chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai các kết luận của Trung ương về công tác tổ chức và cán bộ; tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện các quy định của tỉnh về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đồng thời thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết, Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030../.