Văn hóa

Lễ hội Óc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng: Mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc

Sóc Trăng

Giải đua ghe Ngo truyền thống của tỉnh sẽ có khoảng 55-60 ghe Ngo nam và nữ của các đội chùa Khmer thuộc các tỉnh trong khu vực về dự.

Các vận động viên tập luyện tích cực, chuẩn bị Giải đua ghe Ngo tại Sóc Trăng. 
Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến ngày lễ hội chính Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng. Những ngày này, tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhất là những vùng đông đồng bào dân tộc Khmer, không khí rộn ràng tập luyện cho mùa lễ hội và giải đua ghe Ngo khắp nơi với tiếng trống nhạc ngũ âm, còi huýt bắt nhịp tập luyện đua ghe Ngo vang khắp những ngôi chùa cổ kính vào những buổi chiều.

 Rộn ràng không khí tập luyện

Tuần Lễ hội Óc Om Bóc- Đua ghe Ngo năm nay tại Sóc Trăng mang tầm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc như trình diễn trang phục dân tộc, liên hoan ẩm thực dân tộc, hội thao hội thi dân tộc, thả đèn nước, trình diễn ghe Cà Hâu của các chùa và các hoạt động xúc tiến thương mại. Tuần lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 9/11 đến hết ngày 15/11, riêng giải đua ghe khu vực Đồng bằng sông Cửu Long Sóc Trăng 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/11 sẽ là hoạt động chính, sôi nổi nhất, dự kiến có hàng trăm ngàn lượt người theo dõi, cổ vũ.

Các vận động viên tập luyện tích cực, chuẩn bị Giải đua ghe Ngo tại Sóc Trăng. 
Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Đặc biệt, giải đua ghe Ngo truyền thống của tỉnh sẽ có khoảng 55-60 ghe ngo nam và nữ của các đội chùa Khmer thuộc các tỉnh trong khu vực về dự. Tại Sóc Trăng sẽ có khoảng 40 ghe ngo tranh tài. Phong trào đua ghe Ngo tại Sóc Trăng phát triển mạnh mẽ và được chính quyền các địa phương cũng như các chùa rất quan tâm. Năm nay, nhiều ghe ngo sẽ được đóng mới để thi đấu mong giành thành tích cao. Bên cạnh đó, từ cả tháng trước ngày thi đấu, các vận động viên của các chùa đã tập luyện cả tại chỗ trong bãi tập của chùa hoặc trên sông rạch để có sức khỏe, sức bền phấn đấu có thành tích cao nhất.

Theo ông Thạch Hiền, thành viên Ban quản trị chùa Đơm Om Pưl (Xẻo Me), thị xã Vĩnh Châu: Ban quản trị với nhà chùa phối hợp vận động bà con cùng chung tay đóng góp công sức và vật chất, tập luyện tích cực, chọn lượng vận động viên khỏe, thi đấu tốt, đến nay đã có 120 vận động viên hàng ngày tập luyện. Năm nay nhà chùa quyết định đầu tư đóng chiếc ghe mới với giá trị trên 600 triệu đồng để mong thi đấu thành công sau khi chiếc ghe cũ nhiều năm thi đấu không thành công. Bà con trong bổn sóc rất phấn khởi và hăng hái tập luyện rất tích cực, hy vọng là năm nay với lực lượng tập luyện sớm, ghe Ngo được đầu tư đóng mới đội ghe Ngo chùa Xẻo Me sẽ đạt được thành tích cao nhất.

Là một huấn luyện viên chỉ đạo công tác tập luyện thi đấu đua ghe Ngo chùa Wath Pích, thị xã Vĩnh Châu, ông Hiệu Ngọc Hoang phấn khởi cho biết: Năm nay bà con phum sóc tập luyện rất đông, trước thời điểm đua hơn nửa tháng, mỗi ngày có khoảng 150-170 vận động viên trong vùng tham gia tập luyện. Hằng ngày sau khi công việc lao động hàng ngày của gia đình về, khoảng 16h30 bà con lại tập trung về khu vực tập luyện của chúa Wath Pích để rèn sức dẻo dai, mỗi ngày tập luyện 7-8 lần thời gian như đua thật trên đường đua 1.200 mét ở trường đua trên tỉnh.

 Các vận động viên khởi động trước khi tập luyện. 
Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Năm 2022, ghe của chùa Wath Pích đã đạt chức vô địch giải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do tỉnh Sóc Trăng tổ chức, năm 2023 tuy không đạt giải cao nhưng ghe Ngo của chùa cũng lọt vào vòng 1/16 đội mạnh nhất. Còn năm nay, với lực lượng vận động viên hùng hậu hơn, nhà chùa rất hy vọng sẽ đạt được thứ hạng cao.

 Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, trong những năm qua, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chính sách dân tộc được Vĩnh Châu triển khai đồng bộ, có hiệu quả, giúp cho cuộc sống bà con Khmer ở Sóc Trăng nói chung, thị xã Vĩnh Châu nói riêng ngày một ấm no, khá giả hơn. Đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Đến với Lễ hội văn hóa các dân tộc và Lễ hội Oóc Om Bóc-Đua ghe Ngo Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 sắp tới, thị xã Vĩnh Châu có 4 đội ghe Ngo của các chùa tham gia, chính quyền, địa phương và nhà chùa, Ban quản trị chùa, bà con bổn sóc đều rất vui mừng phấn khởi, hăng hái thi đua tập luyện đua ghe Ngo mà còn chuẩn bị các tiết mục văn hóa văn nghệ, chuẩn bị triển lãm, trưng bày các sản phẩm địa phương OCOP, giới thiệu các món ẩm thực tại ngày hội văn hóa các dân tộc…

 Vận động viên đua ghe Ngo chùa Wath Pích, thị xã Vĩnh Châu tập luyện tích cực, chuẩn bị cho cuộc tranh tài sắp diễn ra.
Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng: Năm nay, tỉnh tổ chức Lễ hội và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”. Sự kiện diễn ra từ ngày 9 đến 15/11/2024, tại các địa điểm chính tại thành phố Sóc Trăng như: Quảng trường Bạch Đằng, Công viên 30/4, khán đài đường đua ghe Ngo, sông Maspéro, Khu Đô thị 5A, Khu Văn hóa Hồ Nước Ngọt, Bảo tàng tỉnh, Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer, Trung tâm Văn hóa tỉnh và một số điểm chùa, Khu dân cư.

Trong Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng được tổ chức lồng ghép với Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng sẽ có các hoạt động như: Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền; Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Sóc Trăng; Giao lưu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố; Giải các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh và Gala toàn quốc năm 2024; Hội thao dân tộc; Liên hoan ẩm thực Mekong lần thứ I; Trình diễn nghệ thuật ánh sáng; giới thiệu sản phẩm du lịch Sóc Trăng... Đặc biệt, tại lễ hội còn có tổ chức Trao bằng xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam về trình diễn nhạc Ngũ âm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam.

 Các vận động viên tập luyện tích cực, chuẩn bị Giải đua ghe Ngo tại Sóc Trăng. 
Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Để các hoạt động của Lễ hội và giải đua ghe Ngo diễn ra thành công, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng yêu cầu UBND thành phố Sóc Trăng, các đơn vị, địa phương tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, xử lý môi trường trước, trong và sau Lễ hội. Đồng thời đảm bảo tốt an toàn giao thông, an ninh trật tự địa bàn, tổ chức lễ hội của đồng bào thật vui tươi, thi đấu tinh thần đoàn kết 3 dân tộc Việt-Hoa-Khmer; các hoạt động tuyên truyền quảng bá thu hút khách du lịch làm nổi bật hình ảnh đất nước con người Sóc Trăng thông qua lễ hội với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer ngày càng được bảo tồn, giữ gìn và phát triển./.

Trung Hiếu

Xem thêm