Đây là những di tích lịch sử rất ý nghĩa, là địa chỉ giáo dục lòng yêu nước, thể hiện ý chí, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc xứ Lạng.
Ngày 13/5, tại huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Quân khu 1 (Bộ Quốc phòng) tổ chức hoàn thành các dự án trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia làng Minh Đán và di tích làng Lân Áng (đều thuộc xã Hưng Vũ) và Di tích lịch sử cấp tỉnh làng Khuôn Khát (xã Vũ Lễ). Đây là những dự án được thực hiện trong các năm 2023-2025.
Thiếu tướng Đỗ Văn Tuấn, Phó Tư lệnh Quân khu 1 nhấn mạnh, Di tích lịch sử quốc gia làng Minh Đán và Lân Áng, xã Hưng Vũ là hai khu di tích lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Cả hai đều là địa điểm an toàn khu nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ trong thời gian hoạt động cách mạng tại huyện Bắc Sơn từ 1936 đến năm 1945. Đây cũng là địa điểm bí mật để huấn luyện quân sự cho du kích và lực lượng cách mạng của ta, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Di tích lịch sử làng Khuôn Khát, xã Vũ Lễ là địa điểm chứng kiến tội ác của thực dân Pháp vào tháng 7/1941, khi tổ chức càn, đốt phá nhiều làng bản, trong đó có làng Khuôn Khát. Thực dân Pháp đã đốt cháy và giết hại 16 gia đình người Dao là những cơ sở cách mạng. Đồng bào Dao ở Khuôn Khát đã luôn nêu cao tinh thần bất khuất và sự hy sinh cao quý cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, từ đó chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Để tri ân những mất mát, hy sinh của cha, ông ta, đồng thời phát huy và nâng tầm giá trị các khu di tích lịch sử này, Quân khu 1 phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo và được Bộ Quốc phòng đồng ý đầu tư tu bổ, xây dựng ba khu di tích lịch sử với tổng mức đầu tư 13,465 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên khẳng định, đây là những di tích lịch sử rất ý nghĩa, là địa chỉ giáo dục lòng yêu nước, thể hiện ý chí, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc xứ Lạng. Trên địa bàn Lạng Sơn hiện có 420 di tích, trong đó có 144 di tích đã được xếp hạng với 2 khu di tích cấp quốc gia đặc biệt, 32 di tích cấp quốc gia và 110 di tích cấp tỉnh.
Những năm qua, công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh được quan tâm, thực hiện hiệu quả bằng các nguồn vốn như Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh và các nguồn lực xã hội hóa. Các di tích lịch sử này góp phần kết nối các điểm đến trong hành trình tham quan trên tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn./.