Không khí Tết đã tràn ngập khắp đất trời. Một mùa Xuân ấm áp, hạnh phúc bởi sự sẻ chia, chung tay góp sức của cộng đồng để những mảnh đời khó khăn, người yếu thế có thêm niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống.
TTXVN - Một mùa Xuân mới đang về, đất trời chuyển mình đón Xuân sang. Từ thành phố đến thôn quê, vùng sâu, vùng xa, biên giới…, mọi người, mọi nhà đang tất bật chuẩn bị đón Tết sum vầy bên gia đình và người thân. Dịp này, cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân đều đồng lòng, cùng chung tay hỗ trợ để các gia đình chính sách, người nghèo, đối tượng yếu thế đón một mùa Xuân vui tươi, đầy đủ hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, các đối tượng yếu thế là chủ trương lớn, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện. Trong bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện thật tốt trong thời gian tới là: “… Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn...".
Tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn: "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày…".
Trong bối cảnh năm 2023 còn nhiều khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều thách thức, mặc dù sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, đơn hàng bị cắt giảm nhưng đa số doanh nghiệp vẫn nỗ lực chăm lo cho người lao động, nhất là trong dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, tích cực đồng hành cùng địa phương, tổ chức đoàn thể để mang Tết ấm đến với muôn nơi.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua khảo sát hơn 1.200 doanh nghiệp cho thấy, trên 46% doanh nghiệp ngoài tiền thưởng Tết còn có nhiều hình thức chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà, phiếu mua hàng, tổ chức xe đưa đón về quê hoặc hỗ trợ tiền, tặng vé xe… Nhiều doanh nghiệp kết hợp giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian về thăm gia đình. Năm 2024, tiền thưởng Tết Nguyên đán tại Thành phố bình quân là hơn 12,3 triệu đồng/người.
Các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô chủ động quan tâm, động viên, đảm bảo việc làm, thu nhập và chế độ, chính sách liên quan đến người lao động. Trước thềm Tết Nguyên đán, nhiều Công đoàn chủ động đề xuất phương án, kế hoạch lương thưởng Tết, giúp người lao động yên tâm làm việc vì mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
Dù đối mặt khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, song các doanh nghiệp ở Đồng Nai vẫn nỗ lực giữ mức thưởng Tết Nguyên đán 2024 cho người lao động bằng năm trước; trung bình khoảng 7,7 triệu đồng/người. Tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, đối với lao động là dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc vào làm việc, cùng với phần quà Tết, doanh nghiệp còn bố trí chuyến xe đưa về quê và đón trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Với những người đăng ký ở lại làm việc, không về quê, các cấp Công đoàn, Nông trường tổ chức thăm hỏi, chúc Tết để họ vẫn cảm thấy ấm lòng dù không được quây quần cùng người thân vui Xuân mới.
Chia sẻ khó khăn với người lao động, mang Xuân đến mọi miền đất nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều Đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà Tết công nhân lao động tại các địa phương.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn công tác đã ra Giàn khoan trung tâm của Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC), thăm, động viên, chúc Tết, làm việc với cán bộ, kỹ sư đang làm việc tại giàn khoan. Đây là chuyến đi rất đặc biệt, giàu tình cảm, đáng nhớ và nhiều ý nghĩa trong dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc. Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo Cửu Long JOC và lãnh đạo các giàn khoan chú trọng quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần để người lao động đón Tết vui vẻ, ấm áp.
Chung vui trong Ngày hội Công nhân - Đón chào Xuân mới 2024, tặng quà đại diện các gia đình chính sách, hộ nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng chứng kiến niềm hân hoan hiển hiện trên nét mặt mỗi người, mỗi nhà và trên khắp quê hương Thanh Hóa. Người đứng đầu Chính phủ mong muốn công nhân, người lao động hãy cố gắng hơn nữa trong học tập, bồi dưỡng trau dồi kiến thức nâng cao tay nghề, tác phong làm việc, tích cực lao động sản xuất để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn
Trong chuyến thăm, tặng quà Tết tại tỉnh Hải Dương, nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước là không để ai không có Tết, không có ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương tiếp tục rà soát, quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo, những người khó khăn, yếu thế, công nhân…, bảo đảm để người dân đón một cái Tết trọn vẹn.
Thăm, tặng quà công nhân, gia đình chính sách một số địa phương trong cả nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo cho nhân dân; bảo đảm mọi người, mọi nhà vui Xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm…; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến thăm dây chuyền sản xuất, động viên công nhân Công ty OHSUNG VINA Thái Bình, Chủ tịch Quốc hội mong muốn lãnh đạo Công ty tiếp tục bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để công nhân, lao động gắn bó, yên tâm làm việc, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Mừng Xuân mới Giáp Thìn, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể đều chủ động, tích cực thực hiện tốt công tác chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội để mọi người, mọi nhà đón Tết cổ truyền đầm ấm, yên vui.
Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay, thành phố Hà Nội tặng gần 1.078.100 suất quà tới các đối tượng, các tổ chức, cá nhân tiêu biểu với tổng số tiền hơn 552 tỷ đồng; hỗ trợ 7.000 phiếu mua hàng (trị giá 500.000 đồng/phiếu) tặng người lao động khó khăn trong Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024"; hỗ trợ vé xe đưa công nhân lao động khu công nghiệp về quê và đón quay trở lại làm việc sau Tết; thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động dịp Tết hơn 21 tỷ đồng; hỗ trợ 35 "Mái ấm Công đoàn"…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn Thành phố dành 135 tỷ đồng chăm lo cho người lao động gặp khó khăn đón Tết Nguyên đán; trong đó, 34 tỷ đồng cấp Thành phố và 101 tỷ đồng ở cấp quận, huyện, Công đoàn cấp trên cơ sở.
Hoạt động chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra đồng loạt trên toàn tỉnh Đắk Lắk. Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp UBND huyện Cư Kuin tổ chức Hội chợ “Tết Nhân ái” Xuân Giáp Thìn năm 2024; thăm, tặng 333 suất quà Tết (trị giá 700.000 đồng/suất) cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng, ấm lòng dân bản” - Tết Giáp Thìn với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Công đoàn các cấp ở Bình Dương dành kinh phí hơn 300 tỷ đồng để chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động khó khăn. Chính quyền cùng các doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ thêm 300 tỷ đồng cùng Công đoàn chăm lo cho người lao động. Cùng với chương trình “Tết Sum vầy - Xuân sẻ chia”, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục tổ chức “Chuyến tàu Xuân” đưa đoàn viên về quê đón Tết; tặng 4.000 thẻ tín dụng mua hàng online “Chợ Tết Công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức...
Tại tỉnh Thái Nguyên, việc hỗ trợ, ủng hộ Chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” năm 2024 được Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng linh hoạt thông qua tài khoản an sinh xã hội đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo. Chương trình đã trao tặng gần 20 nghìn suất quà cho các đối tượng được thụ hưởng, tổng trị giá lên đến 26,6 tỷ đồng.
Đối với mỗi người lao động, có một ngôi nhà kiên cố, an toàn luôn là mong muốn hàng đầu bởi có an cư, mới lạc nghiệp. Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), để tri ân đồng bào vùng căn cứ cách mạng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động Chương trình làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường, 5.000 ngôi nhà mới được hoàn thành trước Ngày thành lập Đảng và là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh được đón Tết ấm cúng, đại đoàn kết. Đây là sự tri ân thiết thực nhất đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên sau 70 năm làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tranh thủ thời tiết khô ráo những ngày giáp Tết, anh Lò Văn Hiền cùng vợ là Quàng Thị Thi ở thị trấn Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) hoàn thiện nốt việc ốp gạch ở công trình phụ, chuẩn bị đón Tết. Là hộ nghèo, được hỗ trợ xây ngôi nhà mới khang trang, gia đình anh chị phấn khởi đón một mùa Xuân mới, không còn thấp thỏm lo âu khi trời mưa gió.
Được ở trong căn nhà mới đã 3 tháng nhưng với anh Tòng Văn Bánh, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) vẫn như là giấc mơ. Năm nay, anh chuẩn bị cành đào đẹp nhất để giữa gian chính căn nhà và cùng vợ trang hoàng nhà cửa đón Tết. Củi đã chuẩn bị đủ, bánh chưng đã gói, gạo sắn có sẵn, đây sẽ là một cái Tết vui vẻ, đủ đầy trong ngôi nhà mới của gia đình anh Tòng Văn Bánh.
Đón Xuân Giáp Thìn, không chỉ tại Điện Biên, hàng trăm ngôi nhà Đại đoàn kết trên khắp cả nước đã được hoàn thành, là minh chứng sinh động của truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc Việt Nam.
Không khí Tết đã tràn ngập khắp đất trời. Một mùa Xuân ấm áp, hạnh phúc bởi sự sẻ chia, chung tay góp sức của cộng đồng để những mảnh đời khó khăn, người yếu thế có thêm niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống./.