Hội nghị cung cấp thông tin, làm phong phú nội dung tuyên truyền, góp phần tiếp tục tăng cường hiểu biết cho người dân về công tác hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO, cũng như sự tham gia, đóng góp của Việt Nam.
Chiều 25/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập quốc tế, UNESCO và ASEAN năm 2024 cho đội ngũ các phóng viên, biên tập viên chuyên trách đến từ các cơ quan thông tấn báo chí.
Thông tin về vị trí, vai trò của ASEAN trong tình hình thế giới khu vực hiện nay, Phó Vụ trưởng, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Trịnh Minh Mạnh cho biết: Hiện nay, tình hình thế giới và nhiều khu vực, nhất là ở Trung Đông, tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi khó khăn, dự báo giảm tăng trưởng trong năm 2024. Bất ổn, xung đột cùng với cạnh tranh nước lớn gia tăng tiếp tục tác động sâu rộng, ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt đời sống toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ASEAN luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực phát triển, xây dựng cộng đồng lớn mạnh trên cả 3 trụ cột, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn nữa. Đồng thời ASEAN cũng tập trung củng cố vai trò trung tâm, tăng cường hợp tác, đối thoại, hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định, cởi mở và thịnh vượng cho tất cả các nước. Với những nỗ lực kiên trì, bền bỉ trong nhiều năm qua, ASEAN đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc củng cố ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực, được các đối tác coi trọng, tranh thủ và tăng cường quan hệ.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN không hề dễ dàng, tuy nhiên, với vị thế, tiềm lực ngày càng tăng của ASEAN, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt vẫn đang tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong đối thoại và hợp tác đa phương tại khu vực; vẫn được các nước đối tác, đặc biệt là các đối tác lớn hết sức coi trọng. Vì vậy, ASEAN vẫn có lợi thế lớn và vai trò trung tâm của ASEAN vẫn đang tiếp tục được củng cố từng ngày, không dễ dàng bị lung lay. Việc củng cố vai trò trung tâm của ASEAN không chỉ đem lại lợi ích cho khối, còn đối với các quốc gia thành viên, vì vậy, việc các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của chính mình. Nhìn về tương lai, ASEAN, trong đó có Việt Nam, cần nâng cao khả năng tự cường và các liên kết nội khối, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác, nhất là trong trong các lĩnh vực mới, các động lực phát triển mới, như: kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo…, hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Chia sẻ về trọng tâm công tác đối ngoại của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam năm 2024 và các hoạt động ưu tiên của các tiểu ban, ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO (Thường trực Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) cho biết: Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phát huy vai trò thành viên của 5 cơ chế quan trọng của UNESCO; tăng cường quan hệ hợp tác giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam với Ban Thư ký UNESCO, các cơ quan chuyên môn, văn phòng UNESCO tại Hà Nội và khu vực, cũng như Ủy ban Quốc gia của các nước thành viên trong khu vực. Đồng thời, nghiên cứu, nắm bắt xu thế hợp tác, cũng như những chuyển biến chính sách của các nước, nhóm nước trong UNESCO, kịp thời khuyến nghị chính sách, chiến lược với Chính phủ; kiện toàn các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin và truyền thông...
Cũng tại hội nghị, các phóng viên, biên tập viên đã nghe giới thiệu các nội dung về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, tình hình thế giới và khu vực, những tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam; tầm nhìn 2035 về Thông tin Truyền thông ASEAN: "Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng"; bảo tồn Khu dữ trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.../.