Hội nhập

Nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào bằng chuyển đổi số hoạt động logistics

Do chi phí vận tải hàng hóa logistics giữa Việt Nam và Lào còn cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu giữa 2 quốc gia. Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Lào.

Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn đại biểu Bộ Công thương Lào và đại diện Công ty FSI.
Ảnh: FSI/TTXVN phát

TTXVN - Trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt Nam - Lào, ngày 24/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đã dẫn đầu Đoàn đại biểu tới thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển Công nghệ FSI (FSI). Mục tiêu là tìm kiếm những giải pháp công nghệ Make in Viet Nam hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tiếp vận (logistics) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Tại buổi làm việc, ông Đoàn Huy Thuận, Tổng giám đốc FSI đã giới thiệu tới Đoàn những giải pháp chuyển đổi số dựa trên nền tảng dữ liệu mà FSI đã nghiên cứu, phát triển và không ngừng hoàn thiện trong thời gian qua.

Hiện nay, hệ sinh thái sản phẩm và giải pháp của FSI với hơn 50 sản phẩm bao gồm 4 mảng chính: Kết nối các nguồn và tạo lập dữ liệu; Lưu trữ dữ liệu, khai thác và xử lý dữ liệu lớn; Áp dụng kết quả dữ liệu vào vận hành giúp khách hàng cải thiện hiệu quả hoạt động thông qua việc ra quyết định dựa trên dữ liệu tin cậy. Trong đó, công ty có các giải pháp số hóa lĩnh vực logistics với nhiều ưu điểm vượt trội.

“Đây sẽ là giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần mang đến nhiều thuận lợi trong hoạt động giao thương giữa Việt Nam – Lào theo hướng xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh và xúc tiến sản xuất nông sản định hướng xuất khẩu”, ông Đoàn Huy Thuận cho biết.

Trên biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Lào dài hơn 2.330 km có tổng số 33 cặp cửa khẩu đang hoạt động, trong đó có 9 cặp cửa khẩu quốc tế, 6 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ. Sự kết nối về địa lý và mối quan hệ hữu nghị lâu đời là cơ sở thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai quốc gia. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại Việt Nam–Lào năm 2022 đạt 1,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2021. Hoạt động thương mại biên giới đóng vai trò then chốt trong hợp tác thương mại song phương, chiếm đến 90% tổng giá trị thương mại Việt Nam - Lào. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai nước hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng xuất nhập khẩu hàng hóa của Lào với thế giới và 0,2% thương mại của Việt Nam với thế giới.

Một trong những nguyên nhân được xác định do chi phí vận tải hàng hóa logistics giữa Việt Nam và Lào còn cao so với các đối thủ cạnh tranh. Do quãng đường vận chuyển dài, hạ tầng giao thông thấp, nhiều tuyến đường vận chuyển nằm trên địa hình đồi núi đã làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất sang Lào. Giảm chi phí logistics là yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Lào.

Để giải quyết vấn đề này, tại Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào được ký kết vào ngày 8/4/2024, hai nước đã nhất trí đồng quan điểm việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thủ tục hải quan, thu thập số liệu thống kê hải quan. Đây là giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề trên, giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith ghi nhận những giải pháp FSI đề xuất là xu thế tất yếu, phù hợp với sự phát triển của thời đại, giúp hỗ trợ giao thương giữa hai quốc gia thuận lợi. Mục tiêu chuyển đổi số là một trong những chủ điểm trọng tâm của Lào khi nhận cương vị nước Chủ tịch ASEAN 2024.

Đoàn đại biểu Bộ Công Thương Lào và đại diện Công ty FSi chụp hình lưu niệm
Ảnh: FSI/TTXVN phát

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản, minh bạch hóa thủ tục hải quan đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và Lào. Hiện các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam không chỉ cung cấp giải pháp, tư vấn triển khai mà luôn đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc lựa chọn giải pháp công nghệ thông tin phù hợp, giải quyết các vấn đề trong quá trình vận hành và bảo trì hệ thống./.

Ngọc Bích

Tin liên quan

Xem thêm