Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường.
Tỉnh Hưng Yên đã triển khai hiệu quả Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 996). Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động đo lường.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thái Kiều Ngân cho biết, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường. Trong đó, trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của tỉnh, xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường công tác giám sát đo lường gắn với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở đã giao Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đo lường cho cán bộ tham gia hoạt động đo lường của doanh nghiệp; tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động đo lường; hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc hỗ trợ cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường...
Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hưng Yên Lê Văn Lương cho biết, năm 2024, Chi cục đã thực hiện kiểm tra về đo lường đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu, vàng trang sức, mỹ nghệ, điện – điện tử, đồ chơi trẻ em... Qua quá trình kiểm tra, hầu hết các đơn vị đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra về hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, lực lượng chức năng phát hiện 2 cân khối lượng tại 2 cơ sở kinh doanh vàng đã hết hiệu lực kiểm định kinh doanh. Đoàn kiểm tra đã ban hành thông báo tạm dừng hoạt động đo lường và chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xử phạt vi phạm hành chính.
Theo ông Lê Văn Lương, Chi cục phối hợp với các sở, ngành và các địa phương kiểm tra đối với các cơ sở, sản xuất kinh doanh. Đơn cử, Chi cục đã phối hợp với Sở Công Thương thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh khí đối với 3 cơ sở. Kết quả, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 2/3 cơ sở vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 15 triệu đồng/cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, Chi cục cũng đã thực hiện kiểm định đối với 12. 010 phương tiện đo các loại; trong đó đã kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định cho 11.819 phương tiện đo và loại bỏ 191 phương tiên không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường...
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thái Kiều Ngân cho rằng, để thực hiện có hiệu quả Đề án cần nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường, tăng cường phát triển hạ tầng đo lường trên địa bàn tỉnh. Do vậy, thời gian tới, Sở tiếp tục khảo sát, vận động doanh nghiệp tham gia chương trình bảo đảm về đo lường để được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là những đơn vị sản xuất mặt hàng chủ lực của địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ, nghiệp vụ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, nhân viên tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Sở chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định; bảo đảm an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường./.