Đề xuất người lao động ngoài trời đóng bảo hiểm y tế theo tỷ lệ phần trăm thu nhập
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Lộc đề xuất phát triển đề án bảo hiểm y tế chuyên biệt cho người lao động ngoài trời thông qua các biện pháp “xã hội hóa”.
Ngày 13/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife) tổ chức Hội nghị bàn tròn trực tiếp và trực tuyến với chủ đề “Sức khỏe và sinh kế của người lao động ngoài trời tại các đô thị Việt Nam trước thách thức từ biến đổi khí hậu: Các phát hiện định tính”.
Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các cơ quan liên quan trao đổi, thảo luận xoay quanh kết quả nghiên cứu định tính về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe và sinh kế của người lao động ngoài trời, nhất là người bán hàng rong, thợ xây dựng, người khuân vác và tài xế xe công nghệ tại các thành phố lớn.
Khảo sát thực địa, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện SocialLife cho biết, việc làm tự do được nhiều người lao động xem là lựa chọn chủ động. Bởi nhiều nam giới cho rằng, làm tự do không bị gò bó trong khuôn khổ, tính tuân thủ thời gian, không gian; còn nữ giới lựa chọn bởi tính linh hoạt vừa làm kiếm tiền vừa chăm lo cho gia đình; đối với người cao tuổi, việc làm tự do đáp ứng nhu cầu duy trì sự độc lập, chủ động về tài chính và khả năng làm việc.
“Tuy đề cao tự do trong lựa chọn nghề nghiệp, song họ lại có xu hướng “bình thường hóa” các rủi ro sức khỏe và coi đó như một phần tất yếu của nghề nghiệp. Họ thường tìm đến các giải pháp y tế không chính thống và chi phí thấp do rào cản về tài chính và thời gian trong việc tiếp cận dịch vụ y tế chính thống”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.
Qua nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Lộc đề xuất phát triển đề án bảo hiểm y tế chuyên biệt cho người lao động ngoài trời thông qua các biện pháp “xã hội hóa”; cơ chế đóng phí linh hoạt dựa trên thu nhập thực tế, kết hợp với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và tổ chức xã hội bởi họ không đủ khả năng chi trả theo mức phí hiện tại. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng phù hợp với đặc thù của người lao động; cần thiết lập các kênh thông tin y tế chính thống dễ tiếp cận, ứng dụng di động ICAN (một sản phẩm nghiên cứu của SocialLife); đồng thời áp dụng phương pháp phát triển cộng đồng trong việc nâng cao năng lực tự chăm sóc sức khỏe như tổ chức các “buổi café sáng sức khỏe”...
Cùng quan điểm, Tiến sỹ Vũ Ngọc Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội Quốc gia Vương quốc Anh cùng Giáo sư Jonathan Rigg, Đại học Bristol (Vương Quốc Anh) cũng chia sẻ nghiên cứu chung đánh giá hệ thống về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe của người lao động ngoài trời ở đô thị châu Á.
Trong đó, nghiên cứu tại các thành phố lớn ở Việt Nam được đề cập đến các mối nguy hại, những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động phi chính thức làm việc ngoài trời; những rủi ro sức khỏe phổ biến; những tác động này đối với giới tính, độ tuổi, tình trạng di cư… Nghiên cứu cũng gợi ý nhu cầu cấp thiết về khung phân tích tích hợp, có khả năng kết nối các góc nhìn toàn cầu và địa phương; những can thiệp chính sách lấy sức khỏe làm trọng tâm trong ứng phó với biến đổi khí hậu...
Đồng tình một số chính sách đề xuất có tính khả thi cao, đặc biệt là bảo hiểm y tế chuyên biệt dành cho lao động ngoài trời, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) khuyến khích xây dựng mô hình đóng bảo hiểm y tế theo tỷ lệ phần trăm thu nhập. Đồng thời cho rằng, để tiếp cận gần hơn, cần phải có vốn mồi từ ngân sách nhà nước và sự tham gia của người dân, chính quyền và các tổ chức phi chính phủ để đảm bảo tính bền vững.
Về chăm sóc sức khỏe, ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng ứng dụng ICAN cần đảm bảo ít nhất hơn 50% lao động ngoài trời đã sở hữu điện thoại thông minh, kết nối internet ổn định. Ngoài ra, ứng dụng cần tích hợp bảng kiểm sức khỏe, cung cấp lời khuyên về các chuyên khoa cần khám, tập trung vào các bệnh lý phổ biến ở lao động ngoài trời như: tim mạch, tiêu hóa, hô hấp và da liễu; cần được lập trình theo hướng máy lọc, để nhận diện các xu hướng sức khỏe từ số liệu thu thập, hệ thống sẽ tiếp tục phân tích và đưa ra cảnh báo, lời khuyên sức khỏe.
“Để tăng hiệu quả, cần kết hợp với quỹ an sinh xã hội và huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mong muốn tích hợp logo vào ứng dụng để tạo thói quen sử dụng và dịch vụ nên được cung cấp miễn phí cho người lao động ngoài trời trong 1 - 2 năm đầu để làm quen”, Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về sức khỏe và sinh kế của người lao động ngoài trời tại các đô thị Việt Nam trước các thách thức từ biến đổi khí hậu; đề xuất những giải pháp vừa đáp ứng được nhu cầu tự chủ trong sinh kế, vừa đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của người lao động ngoài trời; đồng thời trao giải cuộc thi viết câu chuyện cuộc đời “Chân dung người lao động ngoài trời: Những cảnh đời mưu sinh nơi phố thị”.../.