Đến nay tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Long An là hơn 379 tỷ đồng, chiếm 3,78% số phải thu. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi hơn 226 tỷ đồng, chiếm 2,26% số phải thu.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, UBND tỉnh Long An yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm xử lý hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An, trên địa bàn hiện có hơn 7.500 đơn vị sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 365.000 người lao động. Đa số các đơn vị sử dụng lao động đã thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo hiểm; tuy nhiên, một số đơn vị vẫn còn xảy ra tình trạng chậm đóng.
Cụ thể, đến nay tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Long An là hơn 379 tỷ đồng, chiếm 3,78% số phải thu. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi hơn 226 tỷ đồng, chiếm 2,26% số phải thu.
Một số đơn vị có số tiền chậm đóng khá lớn và thời gian chậm đóng kéo dài như: Công ty Cổ phần Bệnh viện Sản nhi Long An chậm đóng 36 tháng với số tiền hơn 15 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Trọng Nhân chậm đóng 95 tháng với số tiền hơn 9,8 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Dân Cường chậm đóng 149 tháng với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng…
Nguyên nhân của tình trạng chậm đóng trước tiên là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao, để phát sinh tiền chậm đóng, kéo dài. Bên cạnh đó, một số đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, suy giảm khả năng thanh toán và mất cân đối dòng tiền, dẫn đến chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo ông Lê Thành Liếp, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, ngăn chặn các đơn vị chậm đóng trên địa bàn. Trong đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh chú trọng công tác nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị để có giải pháp phù hợp; phân loại, chia nhóm đơn vị chậm đóng để có giải pháp cụ thể trong việc đôn đốc thu và xử lý tiền chậm đóng.
Đơn vị tăng cường thanh, kiểm tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, phát hiện kịp thời tình trạng trốn đóng, xử phạt hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Từ năm 2022 đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 6 quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của đơn vị và 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,6 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An đã hoàn chỉnh hồ sơ và chuyển hồ sơ của 15 đơn vị sử dụng lao động sang Công an tỉnh Long An đề nghị điều tra, khởi tố theo Điều 216, Bộ Luật Hình sự.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn; tuyên truyền người lao động tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội bằng cách cài đặt ứng dụng VssID (Bảo hiểm xã hội số) để tự giám sát người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật./.
- Từ khóa:
- bảo hiểm xã hội
- Long An