Bắc Giang tập trung nguồn lực, giải quyết có hiệu quả các nhu cầu bức thiết, cấp bách của đồng bào dân tộc thiểu số theo chính sách quy định về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt.
Trong 2 ngày 28 - 29 /11, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh, lần thứ IV năm 2024 với sự tham dự của 239 đại biểu đại diện cho 280.000 đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh.
Với chủ đề "Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng hội nhập và phát triển bền vững", giai đoạn 2024-2029, Bắc Giang tiếp tục dành sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, thông qua các chính sách, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2029 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 75%-80% bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số xuống dưới 6,5%; giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh phấn đấu hằng năm thu hút 5% lao động người dân tộc thiểu số sang làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; trên 80% hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; trên 90% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân...
Tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu ghi nhận và chúc mừng những kết quả Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đạt được thời gian qua.
Đồng thời đề nghị, Bắc Giang tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc thành các nghị quyết, chương trình chuyên đề, tích hợp, lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu phát triển vào quy hoạch, kế hoạch của tỉnh để phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh quan tâm đảm bảo thực hiện hiệu quả và thực chất trong thực thi các chính sách dân tộc, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa các khu vực; tập trung nguồn lực, giải quyết có hiệu quả các nhu cầu bức thiết, cấp bách của đồng bào dân tộc thiểu số theo chính sách quy định về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt.
Tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh; quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr đề nghị, các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; tiếp tục gìn giữ, không ngừng vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc, nêu cao tinh thần tự tin, tự lực, tự cường, không ngừng học tập và nỗ lực vươn lên về mọi mặt để đưa thôn bản, cộng đồng và địa phương ngày càng hội nhập, phát triển, đậm đà bản sắc.
Bắc Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Người dân tộc thiểu số chiếm trên 14% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Sán Chỉ, Dao; tập trung chủ yếu ở 4 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Sau 5 năm thực hiện, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt nhiều kết quả tích cực, kinh tế vùng dân tộc thiểu số có bước phát triển mạnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện. 100% hộ dân được sử dụng điện; 100% số xã xe ô tô vào được trung tâm, kể cả mùa mưa. Các công trình thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư đảm bảo tưới tiêu cho 98% diện tích trồng lúa nước. Tỷ lệ các xã vùng dân tộc có nhà văn hóa xã đạt 100%; nhà văn hóa thôn, bản đạt 99,5%. Lĩnh vực Y tế, Giáo dục được quan tâm đầu tư; văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc và miền núi giảm từ 2 - 2,5%/năm. Đến nay, có 42/73 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 57,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 45 triệu đồng/năm.
Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 1 tập thể 5 cá nhân; tặng Kỷ niệm chương cho 5 cá nhân do có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 16 cá nhân có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, giai đoạn 2019-2024./.