Các chương trình, chính sách, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư ở cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngày 21/11, tỉnh Phú Thọ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV với chủ đề “Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững”. Dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, tỉnh Phú Thọ và gần 170 đại biểu đại diện cho 250.000 đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức sâu sắc về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Đồng thời thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ở tỉnh.
Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ lần thứ III, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng; các mục tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Các chương trình, chính sách, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư ở cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng nguồn vốn dự kiến được Trung ương phân bổ trong giai đoạn 2021-2025 là 3.142 tỷ đồng.
Các chương trình, chính sách đã phát huy được hiệu quả đầu tư nguồn vốn kết hợp với nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện; bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi toàn diện… Đến nay, hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân giảm 1,34%/năm. 100% xã vùng dân tộc thiểu số đã có nhà văn hóa kiêm trung tâm học tập cộng đồng, có trạm y tế được cải tạo, nâng cấp và xây mới; 100% đồng bào vùng kinh tế - xã hội khó khăn được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Đồng thời 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đủ hệ thống trường học các cấp từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở. Năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số xếp loại học lực khá, giỏi đạt trên 61,5%.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019 – 2024./.
- Từ khóa:
- Phú Thọ
- xây dựng
- nông thôn mới
- đồng bào
- dân tộc thiểu số