Thời sự

Ninh Thuận: Tháo gỡ “nút thắt” tạo động lực phát triển sản xuất

Ninh Thuận

Tỉnh Ninh Thuận tăng cường thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.


Các đại biểu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khóa XIV thảo luận tại hội nghị. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Sáng 21/11, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 13/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2025, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận đề nghị các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 16-NQ/TU một cách toàn diện, nâng cao và bền vững; khẩn trương rà soát các kế hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho phù hợp, phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Các cấp ủy Đảng có giải pháp tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” để tạo động lực phát triển sản xuất, thu hút đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Các địa phương tăng cường thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận Phạm Văn Hậu lưu ý, các cấp ủy Đảng có giải pháp phù hợp, lồng ghép nguồn lực từ chương trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là tại địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, huyện nghèo Bác Ái, góp phần hoàn thành các mục tiêu, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các đơn vị, địa phương thực hiện giải pháp để triển khai các dự án được ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ đảm bảo tiến độ, chất lượng, công khai, minh bạch, đúng với các quy định của pháp luật. Ninh Thuận nghiêm cấm việc huy động quá sức dân dẫn đến xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Các cơ sở giáo dục ở huyện Ninh Phước được đầu tư khang trang phục vụ học tập cho học sinh trên địa bàn huyện. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU giai đoạn tới, Tỉnh ủy Ninh Thuận tiếp tục duy trì và giữ vững các xã, thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời phấn đấu có ít nhất 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tỉnh phấn đấu ít nhất có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ninh Thuận đặt mục tiêu có 85% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 5% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60% số thôn của các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Qua 3 năm triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TU, đến nay Ninh Thuận đã có 2 huyện là Ninh Hải và Ninh Phước đã đạt chuẩn nông thôn mới; 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 84 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 7 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Lao động nông thôn qua đào tạo đạt 66,85%; thu nhập bình quân ước tăng 1,45 lần.../.

Thành Công Thử

Tin liên quan

Xem thêm