Từ năm 2019 đến năm 2024, tỉnh Quảng Nam triển khai các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí gần 12.780 tỷ đồng.
Ngày 24/9, tỉnh Quảng Nam tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024. Hơn 250 đại biểu chính thức đại diện cho 16 thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh tham dự.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam có 58 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 9 xã khu vực I với 230 thôn đặc biệt khó khăn. Các dân tộc sinh sống theo từng làng, nóc, nghề nghiệp chủ yếu là chăn nuôi, làm nương rẫy, lúa nước, trồng cây công nghiệp và dược liệu.
Từ năm 2019 đến năm 2024, tỉnh Quảng Nam triển khai các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí gần 12.780 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 12/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam. Từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình giao thông, trường học, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình hạ tầng khác. Cả tỉnh đã chuyển đổi nghề; hỗ trợ đất ở cho 1.000 hộ; thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 1.000 hộ dân.
Các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân miền núi được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 24 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2019.
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 15%, thu nhập bình quân đầu người bằng 45% bình quân chung của cả nước; nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 100%...
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh, từ khi có Đảng và Bác Hồ, truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số càng được củng cố, phát huy. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam đã chung tay với các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh đối với vùng miền núi, với đồng bào các dân tộc.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ IV có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội lần thứ III, rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh; tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024; qua đó tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đại đoàn kết dân tộc; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đại hội còn có nhiệm vụ xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc của tỉnh đến năm 2029, đề ra những giải pháp chủ yếu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; nhất là hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Nghị quyết số 12 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam đã đề ra.
Đại hội là biểu tượng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh; thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp và các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh./.