Dự án giúp nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần ngăn chặn việc truyền tải thông tin trái phép, vi phạm pháp luật trên mạng, ngăn chặn các hành vi can thiệp truy cập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép, làm sai lệch thông tin trên mạng.
Ngày 12/5, tại Hà Nội, Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo và phát triển cộng đồng (LAC), trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam đã tiến hành tổng kết dự án “Nâng cao nhận thức và tư vấn pháp luật về an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử đối với phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội”.
Phát biểu tại Hội nghị, Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo và phát triển cộng đồng cho biết, qua gần một năm triển khai, dự án đã giúp các đối tượng yếu thế nâng cao kỹ năng sàng lọc, sử dụng và khai thác thông tin hiệu quả phục vụ tốt nhất cho công việc, học tập; nâng cao kỹ năng, hiểu biết về giao dịch điện tử đúng luật, thúc đẩy việc bán hàng, quảng bá sản phẩm.
Đặc biệt, dự án giúp nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần ngăn chặn việc truyền tải thông tin trái phép, vi phạm pháp luật trên mạng, ngăn chặn các hành vi can thiệp truy cập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép, làm sai lệch thông tin trên mạng. Từ đó, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số theo định hướng phát triển của đất nước.
Dự án được triển khai từ ngày 15/6/2023 đến nay đã đạt được nhiều kết quả cụ thể như: In 5.000 tờ gấp, làm mã QR Code tài liệu tập huấn và tuyên truyền của Dự án; tổ chức 25 hội nghị tập huấn, tuyên truyền pháp luật về luật an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử; tổ chức 100 Chương trình tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân trong vùng…
Ông Trần Đức Long, Ủy viên Đảng Đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được xem là một trong những thế mạnh của Hội Luật gia Việt Nam, được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và trong thời gian vừa qua đã gặt hái được những thành quả rất tích cực giai đoạn 2012-2017 và 2018-2023 với 2 Đề án xã hội hóa công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của Thủ tướng Chính phủ.
“Hội Luật gia Việt Nam luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các cấp Hội và các đơn vị trực thuộc phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật tới các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ônh Trần Đức Long, với chức năng, nhiệm vụ là một đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng với bề dày kinh nghiệm và sự tận tâm của Ban giám đốc, cán bộ, các chuyên gia, cộng tác viên trong những năm vừa qua đã luôn thực hiện tốt các chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý pháp luật cho nhiều tầng lớp nhân dân đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội như người dân tộc, người nghèo, phụ nữ, trẻ em và Trung tâm đã trở thành một địa chỉ uy tín hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý hiện nay.
Về dự án, đây là lần thứ 2 Trung tâm được Quỹ Thúc đẩy sáng kiến Tư pháp (JIFF) tài trợ. Sau khi nhận được báo cáo của Trung tâm về việc Trung tâm được quỹ JIFF tài trợ trong đợt kêu gọi tài trợ lần 4, Đảng Đoàn, Ban Thường trực Trung ương Hội đã có những chỉ đạo trực tiếp, sát sao, yêu cầu Trung tâm triển khai các hoạt động của dự án theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Ban Thư ký Quỹ JIFF.
Theo Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì Đỗ Thị Thúy Hằng, đây là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của nhiều người dân còn hạn chế. Do thiếu nhận thức pháp luật, nhiều phụ nữ đã trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Vì vậy, việc tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em về phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, các nền tảng mạng hội là điều cần thiết.
Được sự quan tâm, đồng ý của UBND các cấp trong tiếp nhận dự án, sự quan tâm, tạo điều kiện của LAC đã lựa chọn Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Vì là đối tác phối hợp, triển khai thực hiện Dự án tại 13 xã, Thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó tập trung các nhóm đối tượng phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Qua tổ chức 55 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật về an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử đã giúp nhiều chị em được trang bị kiến thức pháp luật về giao dịch điện tử và an toàn thông tin mạng. Các hoạt động không chỉ góp phần cung cấp kiến thức pháp luật, giúp mọi người hiểu sâu hơn về chính sách pháp luật, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo mà còn tạo ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tội phạm trong phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư./.