Thời tiết

Nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có khả năng kéo dài

Ngày 4/4, phía Tây Bắc Bộ có nhiệt độ cao nhất từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C, thời gian nắng nóng từ 12-16 giờ,

Người dân có việc ra đường phải mặc đồ "bảo hộ" để tránh nắng nóng. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

TTXVN - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 4-5/4, khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C, độ ẩm thấp nhất từ 35-55%.

Khu vực phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Bình Định đến Phú Yên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C, độ ẩm thấp nhất từ 40-55%.

Cụ thể, ngày 4/4, phía Tây Bắc Bộ có nhiệt độ cao nhất từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C, thời gian nắng nóng từ 12-16 giờ, độ ẩm thấp nhất từ 40-55%. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có nhiệt độ cao nhất từ 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C, thời gian nắng nóng từ 10-17 giờ, độ ẩm tương đối thấp, từ 35-45%.

Ngày 5/4, phía Tây Bắc Bộ có nhiệt độ cao nhất từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C, thời gian nắng nóng từ 11-16 giờ, độ ẩm từ 40-55%. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có nhiệt độ cao nhất từ 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C, thời gian nắng nóng từ 10-17 giờ, độ ẩm từ 35-45%.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, nắng nóng ở các khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có khả năng kéo dài đến ngày 6/4. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng là cấp 1.

Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư (do nhu cầu sử dụng điện tăng cao) và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày nắng nóng, chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 11-14 giờ hàng ngày. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, người dân phải dùng trang phục dài tay và nón để che nắng; sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ và khả năng chống tia cực tím bất kể khi nào tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nhất là những người thường xuyên làm việc dưới ánh nắng trực tiếp. Người lớn cần chú ý bảo vệ cho trẻ do da của các em non nớt và dễ tổn thương. Nếu để trẻ thường xuyên vui chơi, chạy nhảy ngoài trời mà không có các biện pháp bảo vệ sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về da cao hơn nhiều lần so với người trưởng thành./.


Thắng Trung

Xem thêm