Văn hóa

Nghệ sĩ ưu tú Vương Tuấn – Tình yêu cải lương bên dòng Vàm Cỏ

Vương Tuấn là nghệ sĩ duy nhất còn gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An từ những ngày đầu đến nay.

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 đang diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 25/10 đến ngày 15/11 với sự tham gia của khoảng 1.500 nghệ sĩ, nhạc công đến từ 29 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Tại đây tập hợp những nghệ sĩ yêu nghề, sống vì nghề, để nghệ thuật cải lương không những không bị mai một mà vẫn luôn chiếm một vị trí không thể thiếu trong lòng người hâm mộ. Nghệ sĩ ưu tú Vương Tuấn vào vai nhà cách mạng Trương Văn Bang trong vở Người con của rừng tràm là một ví dụ.

Nghệ sĩ ưu tú Vương Tuấn trong vở cải lương "Người con của rừng tràm". Nghệ sĩ Kim Ngà (đứng bìa phải) là vợ ông. 
Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Vương Tuấn là nghệ sĩ duy nhất còn gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An từ những ngày đầu đến nay. Năm 2023, anh là một trong ba nghệ sĩ của Long An được phong tặng "Nghệ sĩ ưu tú". Đó là quả ngọt mà nghệ sĩ Vương Tuấn đã rèn luyện, cống hiến cho nghệ thuật cải lương suốt 36 năm qua.

*Trọn đời gắn bó với cải lương

Nghệ sĩ ưu tú Vương Tuấn tên thật là Nguyễn Văn Thuộc, sinh ra ở xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, từ nhỏ đã rất say mê nghệ thuật cải lương. Năm 21 tuổi anh được bén duyên với nghề khi có người thân giới thiệu tham gia vào Đoàn Cải lương Long An II (Đoàn Vàm Cỏ). Phải làm công việc giản đơn thì mới được bước chân vào Đoàn, nhưng anh vẫn nhiệt huyết làm việc, chăm chỉ học nghề từ các bậc anh chị. Với năng khiếu sẵn có cộng với tinh thần ham học hỏi, anh nhanh chóng bắt nhập được các kỹ năng trong nghề.

Là nghệ sĩ ca duy nhất còn gắn bó với Đoàn Cải lương Long An từ những ngày đầu 1988 đến nay (cùng một nghệ sĩ đờn), mặc dù đã từng có nhiều cơ hội phát triển nghề ở nơi khác, nhưng anh đã chọn Long An làm nơi cống hiến. Bởi với anh, đây là nơi anh sinh ra, nuôi dưỡng anh lớn khôn, cho anh bén duyên với nghệ thuật cải lương.

Người bạn đời của anh là nghệ sĩ Kim Ngà, cũng là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An. Cùng một tình yêu với nghệ thuật cải lương và chung một niềm yêu gắn bó với mảnh đất quê hương, hai anh chị như tiếp thêm cho nhau sức mạnh, tình yêu để cùng phấn đấu.

Nghệ sĩ ưu tú Vương Tuấn kể, bước ngoặt để anh được là kép chính là trong một chuyến đi diễn tới tỉnh Ninh Thuận, hồi đó anh 25 tuổi, diễn những vai nhỏ, chưa có đủ kinh nghiệm nên chưa được đánh giá cao. Lúc đó đoàn diễn tại một vùng quê ở tỉnh Ninh Thuận, gần núi. Đoàn lưu diễn 7 ngày đêm tại đây là liên tục 7 ngày, tối theo đoàn diễn, ban ngày Vương Tuấn lên núi luyện giọng… Cứ vậy anh hát, ca luyện suốt ngày từ sáng đến chiều. Vì tình yêu với nghệ thuật cải lương đã ngấm vào máu, nên dù gặp khó khăn cỡ nào anh cũng tự động viên, cố gắng học hỏi để hoàn thiện mình.

Nghệ sĩ ưu tú Vương Tuấn vào vai nhà cách mạng Trương Văn Bang. 
Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Cuối năm 1989, Đoàn Cải lương Long An I và II sáp nhập thành một, mang tên Đoàn cải lương Long An. Đến năm 1993, tỉnh giải thể Đoàn và thành lập Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An. Đây cũng là lúc Đoàn trẻ hóa đội ngũ bằng cách tìm kiếm nhân tố mới, đào tạo tại chỗ để hình thành đội ngũ đào, kép thanh xuân, trong đó có Vương Tuấn. Sau thời gian nỗ lực học tập, Vương Tuấn được hát kép chính từ năm 1994 tới nay.

Nhìn lại chặng đường hơn 36 năm hoạt động sân khấu, Vương Tuấn cho rằng mình có nhiều may mắn khi có môi trường tốt như đoàn Long An, những người trong đoàn có tâm, có tài như ông Tám Kỳ, ông Nguyễn Minh Tuấn, Nghệ sĩ ưu tú Hữu Lộc… “Những bậc thầy trong nghề có tài, có tâm đã tận tình chỉ bảo cho thế hệ sau như chúng tôi để mọi người tiến bộ. Trong đó, tôi vô cùng may mắn được học hỏi nhiều từ cố đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga đã chỉ dạy tôi nhiệt tình, chỉ bẻ tay bẻ chân, hát diễn từng chút một. Ông dựng rất nhiều tuồng cho Đoàn Cải lương Long An, đã dìu dắt tận tình qua nhiều lớp trẻ” – Vương Tuấn nói.

Hơn 36 năm qua, nghệ sĩ Vương Tuấn có mặt khắp nơi, từ Nam ra Bắc, dọc tuyến miền Trung… theo bước chân lưu diễn của Đoàn Cải lương Long An hát phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, thể hiện tinh thần xung phong, chấp nhận mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến bây giờ, anh vẫn luôn tâm niệm một điều, cuộc đời mình sinh ra là để làm nghệ sĩ cải lương.

*Nghệ sĩ chuyên hóa thân thành các nhân vật lịch sử

Vai diễn đầu tiên anh được Huy chương Vàng cá nhân là vai nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trong vở Nghĩa sĩ Cần Giuộc (tại Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009), cùng với Nghệ sĩ nhân dân Hồ Ngọc Trinh (Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An hiện nay) cũng rất xuất sắc trong vai bà Lê Thị Điền, vợ nhà thơ, đem về 2 Huy chương Vàng cá nhân, được đồng nghiệp đánh giá cao.

Có sự trùng hợp ngẫu nhiên, Vương Tuấn khi hóa trang vào vai Nguyễn Đình Chiểu gương mặt rất giống bức ảnh chụp chân dung nhà thơ. Có lẽ nhờ vậy mà Vương Tuấn vào vai rất ngọt, thể hiện được thần thái, uy dũng, khí tiết của nhà thơ khi đối mặt với giặc cướp nước. Có thể nói đây là vai diễn hay nhất, để đời của Vương Tuấn.

Là người chuyên hóa thân thành các nhân vật lịch sử trong tỉnh, trong suốt thời gian công tác tại Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, anh đã được trao nhiều cơ hội vào vai các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, thầy Ba Đợi, Trương Văn Bang... Chính những vai diễn ấy đã giúp Vương Tuấn gặt hái được nhiều thành tựu và được khán giả đón nhận, được đánh giá cao về ca diễn lẫn ngoại hình.

Vào vai thầy Ba Đợi - vở Thầy Ba Đợi, đi diễn ngoài Hà Nội, anh cũng được đánh giá cao. Được tham gia vở với vai thầy Ba Đợi, anh càng có cơ hội cọ xát, đặc biệt được học hỏi, được Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên chỉ dẫn rất nhiều.

Vương Tuấn vào vai nhà cách mạng Trương Văn Bang lần đầu trong vở cải lương “Cuộc đời của Mẹ”, mang lại Huy chương Vàng cá nhân và đây cũng là 1 trong 6 vở diễn được Huy chương Vàng tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018.

Năm nay anh lại được giao trọng trách vào vai Trương Văn Bang trong vở cải lương Người con của rừng tràm do Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An dàn dựng mới hoàn toàn trong năm 2024, nội dung xoay quanh hình tượng người cán bộ cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Pháp, tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 đang diễn ra tại Cần Thơ.

Nghệ sĩ ưu tú Vương Tuấn chia sẻ: Tuồng này khó chỗ ca diễn, phát âm cho ra chất nhà cách mạng. Trong ca diễn phải sáng tạo cho phù hợp với tâm lý cảm xúc của nhân vật, nói chậm rãi từ từ, rõ chữ, làm sao cho chân thật, gần gũi nhất với nhân vật. Lý giải về cái “duyên” của mình, anh khiêm tốn: “Chắc tại tôi có duyên với lịch sử, với nhìn hiền hiền, chân thật, nên hợp vai – trong đó cái chân thật rất cần thiết. Tôi luôn cảm thấy may mắn vì có sự giúp đỡ, đồng hành của những đạo diễn là bậc thầy trong nghề”.

Và từ cái tâm, cái tình ấy, anh luôn sẵn lòng chỉ dạy cho lớp trẻ muốn theo nghề, với mong muốn bảo toàn, lưu giữ một loại hình kịch hát – mang đậm văn hóa dân tộc, cho những thế hệ sau mãi yêu và lưu giữ.../.

Nguyễn Thị Đức Hạnh

Xem thêm