Xây dựng Đảng

Nghị quyết số 66-NQ/TW: Xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại vì nhân dân phục vụ

Nhiều ý kiến từ các nhà khoa học, luật sư cho rằng, Nghị quyết 66 chính là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ.

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao về hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trở thành yếu tố sống còn. Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng".

Nhiều ý kiến từ các nhà khoa học, luật sư cho rằng, Nghị quyết 66 chính là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ.

*Tư duy xây dựng pháp luật trong thời đại mới

Tiến sỹ Trần Văn Duy, Phó Trưởng phòng Quản lý hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp).
Ảnh: TTXVN phát

Tiến sỹ Trần Văn Duy, Phó Trưởng phòng Quản lý hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp) cho rằng, Nghị quyết 66-NQ/TW đã cung cấp tiền đề quan trọng cho công tác xây dựng pháp luật tiến bộ, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ và bảo vệ quyền con người.

Tiến sỹ Trần Văn Duy lý giải, pháp luật theo tư duy quản trị sẽ tạo ra tính minh bạch và dân chủ cao hơn; có tính linh hoạt và thích ứng hơn với xã hội hiện đại và sự biến động nhanh của xã hội. Pháp luật theo tư duy quản trị sẽ giảm thiểu xung đột lợi ích và tăng tính hiệu quả điều hành của Nhà nước. Hệ thống pháp luật theo tư duy quản trị xã hội (có tính phục vụ) sẽ hỗ trợ tốt cho sự cởi mở trong các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ kinh tế, kích thích sự phát huy sáng tạo, vận dụng các nguồn lực xã hội cho phát triển bền vững. Tư duy pháp luật quản trị là sự tiến bộ, tôn trọng sự tham gia của xã hội, linh hoạt hơn và phù hợp với yêu cầu của nhà nước pháp quyền hiện đại.

Để Nghị quyết 66 đi vào thực tiễn, Tiến sỹ Trần Văn Duy đề xuất, Nhà nước cần tập trung cải cách mạnh mẽ cả hai khâu: Xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tư duy lập pháp phải đổi mới từ ban hành để quản lý, ban hành để cai trị chuyển sang hướng: Pháp luật, thể chế là bà đỡ, là kiến trúc sư để thiết kế, giải phóng nguồn lực xã hội, tháo gỡ mọi rào cản hữu hình và vô hình, tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình phát triển. Luật phải xuất phát từ thực tiễn, đi vào thực tiễn và từ thực tiễn đi vào Luật, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đồng hành cùng Nhà nước để xây dựng xã hội phát triển, kiến tạo. Đồng thời, Luật phải có tính ổn định và tiên liệu, đây là đòi hỏi cấp thiết của giai đoạn phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

*Bám sát thực tiễn trong xây dựng pháp luật

Luật sư Nguyễn Xuân Sang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đề xuất nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ những người thi hành công vụ.
Ảnh: TTXVN phát

Luật sư Nguyễn Xuân Sang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, công tác thi hành pháp luật ở Việt Nam tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế lớn như: Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp chưa cao, nhiều người chưa hiểu rõ pháp luật dẫn đến vi phạm do thiếu hiểu biết. Một số cán bộ công chức, người thi hành công vụ thực thi pháp luật không nghiêm túc, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố tình né tránh hoặc lợi dụng sơ hở để trục lợi. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng "đùn đẩy trách nhiệm" hoặc chồng chéo trong thực hiện. Chế tài xử lý chưa nghiêm hoặc không được áp dụng đầy đủ dẫn đến việc không đủ sức răn đe. Công tác thanh tra, kiểm tra còn hình thức; một số cuộc kiểm tra mang tính định kỳ, không phát hiện hoặc xử lý triệt để sai phạm. Hệ thống pháp luật chưa thực sự hoàn thiện, một số văn bản còn mâu thuẫn, thiếu rõ ràng gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện và dẫn đến tình trạng "lách luật". Văn bản hướng dẫn thi hành chưa kịp thời, đặc biệt với các luật mới ban hành, gây lúng túng trong áp dụng.

Lấy ví dụ về công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Luật sư Nguyễn Xuân Sang cho biết, trong nhiều năm qua, ngân hàng thực hiện công việc theo Luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ của ngân hàng chưa được quy định cụ thể trong Luật các tổ chức tín dụng năm 2017, Quốc hội khóa XV đã ban hành bổ sung một số quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở luật hóa một số nội dung phù hợp tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện để thị trường mua bán nợ phát triển. Nghị quyết số 42 khi áp dụng có một số cách hiểu khác nhau do các nội dung trong Nghị quyết chưa được luật hóa.

Để kiến tạo một hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi và minh bạch, Luật sư Nguyễn Xuân Sang đề xuất các giải pháp trong công tác xây dựng pháp luật như: Cần gắn công tác xây dựng pháp luật với thực tiễn và có tính dự báo từ thực tiễn; có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ, ngành tham mưu xây dựng pháp luật để tránh sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng. Ngoài ra, cần có sự công khai, minh bạch để nhiều chủ thể trong xã hội có thể tham gia góp ý, phản biện công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đồng thời, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ những người thi hành công vụ./.

Trần Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm