Trong suốt cuộc đời học tập, làm việc và cống hiến cho đất nước, tuổi trẻ với lòng nhiệt huyết và sự cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn in đậm trong lòng mỗi người dân xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Trong suốt cuộc đời học tập, làm việc và cống hiến cho đất nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có khoảng thời gian mà tuổi trẻ với lòng nhiệt huyết và sự cống hiến của Tổng Bí thư luôn in đậm trong lòng mỗi người dân xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Đồng bào xem như người thân trong gia đình
Mùa hè năm 1965, khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra tới Hà Nội đã rất ác liệt, lớp Văn K8, niên khóa 1963-1967, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được lệnh sơ tán về Việt Bắc. Như bao bạn bè cùng trang lứa, cậu sinh viên Nguyễn Phú Trọng vượt suối, băng rừng mang theo ước mơ, hoài bão đến vùng đất mới. Kể từ đây, hình ảnh về một cậu sinh viên năng nổ, nhiệt huyết, không ngại gian khó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân xóm Tràng Dương, xã Vạn Thọ khi ấy.
Ông Nguyễn Đình Tính, sinh năm 1956 kể lại: "Ngày ấy, cậu sinh viên Nguyễn Phú Trọng và 3 bạn nam khác được bố trí sống cùng gia đình bố mẹ tôi là cụ Nguyễn Đình Thoa (đã mất). Khi đó, trong làng hầu như nhà nào cũng có sinh viên hoặc giáo viên ở cùng. Giáo viên, sinh viên nam và sinh viên nữ được chia ra ở nhờ tại các gia đình trong làng, mỗi nhà có khoảng 4 đến 5 người. Gia đình tôi lúc đó có 9 người gồm bố mẹ và 7 anh chị em cùng sống trong ngôi nhà gỗ 5 gian. Bố mẹ tôi dành hẳn một gian cho các anh sinh viên ở. Anh Trọng hơn tôi một giáp (12 tuổi), cùng là tuổi Thân, nên anh em rất gần gũi và hay trò chuyện với nhau".
Câu nói của Tổng Bí thư khi ấy mà ông Tính luôn khắc cốt ghi tâm và coi như kim chỉ nam trong suốt cuộc đời mình đó là “chỉ có con đường học tập là con đường duy nhất, vì vậy em phải cố gắng học”. Ông chia sẻ: “Mặc dù việc học tập chiếm gần hết cả ngày, song, hầu như tối nào, anh Trọng cũng kiểm tra vở tập viết của tôi, hướng dẫn cho tôi tỉ mỉ từng nét chữ, cách viết mỗi con chữ, sao cho chuẩn nhất và những nét chữ này đã theo tôi trong suốt quá trình công tác sau này. Những ngày trong quân ngũ, hay khi trở về công tác tại địa phương, tôi luôn được tham gia viết giấy khen, bằng khen của cơ quan và đơn vị bằng chính những nét chữ mà anh Trọng đã kèm cặp tôi trong những ngày thơ ấu”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng trong ký ức của mỗi người dân xã Vạn Thọ vẫn vẹn nguyên hình ảnh về một cậu sinh viên năng nổ, có trách nhiệm, dám nghĩ dám làm. Ông Nguyễn Văn Ngọ, năm nay 71 tuổi, hiện ở xóm 1 vẫn nhớ như in những việc mà các sinh viên khoa Văn K8 ngày đó làm cho người dân trong xã. Ông kể: "Khi ấy tôi mới 13 tuổi, những năm 65-66, nguồn nước tưới của đồng ruộng ở xã Vạn Thọ chỉ trông chờ vào cái đập nhỏ Vai Say ở gần nhà tôi. Năm nào cũng vậy, mỗi khi mùa mưa đến, nước dâng lên tràn ra ngoài, người dân phải kết bè rồi be lại để dẫn nước vào ruộng. Song cứ mưa lớn là bè lại bị cuốn trôi". Thấy vậy, chính anh Trọng là người đã đề xuất với xã và huy động sinh viên cùng khóa lên núi vần đá về đắp bờ, xây dựng đập Vai Say, giữ nước tưới ổn định cho nhân dân. Từ đó đến nay, đập đã được nhiều lần tu bổ, sửa chữa bằng bê tông kiên cố, nhưng những tảng đá lớn vẫn nằm đó như ghi dấu một kỷ niệm không quên giữa người dân xã Vạn Thọ với các sinh viên khoa Văn K8.
Kỷ niệm về những năm tháng sinh sống và học tập tại xóm Tràng Dương, xã Vạn Thọ cũng được Tổng Bí thư luôn trân trọng và khắc ghi. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được in trong cuốn “Từ mái trường này” do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2003 có viết: “Những ngày ở Tràng Dương (Vạn Thọ - Đại Từ - Bắc Thái) là những ngày có biết bao sự kiện dội vào tâm hồn, ký ức của chúng tôi. Leo núi, luồn rừng, chặt cây lấy nứa về làm nhà, dựng lán. Công việc thật là mới mẻ và hấp dẫn, nhưng cũng đầy ắp những nguy hiểm, gian truân. Những ngày nắng còn đỡ. Những ngày mưa mà leo ngược dốc, trèo lên núi cao, đường trơn, vực thẳm, vắt muỗi, gai cào… thật là không đơn giản”… “Có lẽ vì thế mà đồng bào rất thương và quý chúng tôi, cưu mang, đùm bọc chúng tôi như con em trong nhà. Gia đình nào cũng nhượng cho chúng tôi cả gian buồng để vài ba anh em ở. Thỉnh thoảng lại mời cơm, mời sắn. Hợp tác xã có nhờ cắt lúa, gánh thóc đóng thuế, đắp đập, vác gỗ làm nhà… thì lại cho gạo, cho xôi. Ngày lễ, ngày Tết, xã viên được chia gạo, chia thịt thế nào thì anh chị em lớp tôi cũng được Ban Chủ nhiệm hợp tác xã cho như thế”… “Chúng tôi xác định phải cố gắng vừa học tốt, vừa giúp đỡ đồng bào. Tối tối đi phát thanh thông báo tin thời sự; tổ chức triển lãm tranh ảnh tuyên truyền những chủ trương của Đảng và Nhà nước; biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con…”.
Tình cảm với người dân Vạn Thọ đối với Tổng Bí thư càng thiêng liêng, sâu sắc hơn khi đây chính là nơi chàng sinh viên khoa Văn năm cuối Nguyễn Phú Trọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ngày 19/12/1967. Kể từ ngày này, cả cuộc đời mình, Tổng Bí thư nguyện cống hiến cho cách mạng, cho đất nước và cho nhân dân Việt Nam.
Người lãnh đạo giản dị, giàu tình cảm
Sau hơn 40 năm kể từ ngày chia tay người dân xã Vạn Thọ, năm 2005, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng các sinh viên khoa Văn K8 về thăm lại nơi sơ tán xưa.
Ông Lê Hùng Mạnh, ngày đó là Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thọ vẫn còn nhớ mãi hình ảnh một vị lãnh đạo giản dị, tình cảm. “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng các cựu sinh viên khác đến thăm lại gia đình mà mình đã từng ở, người còn, người mất. Điều đặc biệt là đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhớ tên từng người, mặc dù những người đó đều đã ở độ tuổi lên ông, lên bà, phong cách của đồng chí rất giản dị, gần gũi và thân mật”, ông Mạnh kể.
Một điều ấn tượng nữa khiến ông Mạnh không bao giờ quên chính là lời đề nghị của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng cùng các cựu sinh viên muốn được dùng lại những món dân dã đã từng được ăn trong những năm tháng sơ tán như: sắn, rau lang, cá kho, canh cua… Ông Mạnh cũng chia sẻ, khi nói chuyện với cán bộ xã, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dặn cán bộ phải chăm lo đời sống cho nhân dân, quan tâm đến gia đình chính sách và phải thực hiện tốt việc phấn đấu phát triển kinh tế. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải là luôn người gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào.
Sau gần 20 năm, thực hiện lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vạn Thọ đã đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết, xã được huyện Đại Từ chọn là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của năm 2024. Xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định xã nông thôn mới nâng cao.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vạn Thọ chia sẻ, những lời căn dặn và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm xã đã được Đảng bộ và chính quyền địa phương triển khai thành hành động cụ thể. Trong bất kỳ chương trình nào, cán bộ, đảng viên của xã luôn tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, tận tụy với công việc. Đây chính là tiền đề, nền tảng quan trọng để Đảng bộ xã có đủ năng lực lãnh đạo kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vạn Thọ đã lập bàn thờ tại Nhà văn hóa xã để người dân đến thắp hương, tỏ lòng thành kính với người đảng viên cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.