Nhiều bất cập, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp vận tải khi thực hiện quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền đề nghị khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô liên quan đến các quy định mới về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền cho biết vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ; các Bộ Công an, Giao thông vận tải, Tư pháp đề nghị khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô liên quan đến việc thực hiện các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, ngay sau khi triển khai thực hiện, đã có một số nội dung quy định bộc lộ bất cập, gây khó khăn, đình trệ hoạt động và thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô, nhiều hiệp hội vận tải các địa phương phản ánh về tình trạng hàng loạt lái xe của các doanh nghiệp xin nghỉ việc hoặc cố gắng làm đến Tết Nguyên đán, sau khi nhận lương xong cũng xin nghỉ việc… Nhiều doanh nghiệp vận tải cho xe dừng hoạt động, đặc biệt là vận tải đường dài, vận tải ở một số đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể là nội dung liên quan đến việc đổi chứng nhận đăng ký xe và quy định thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Bị từ chối đăng kiểm do chưa "đổi chứng nhận đăng ký xe”
Theo quy định tại khoản 2 điều 11 Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng chỉ bắt buộc: “Đối tượng cấp đổi, cấp lại biển số xe: ….; xe hoạt động kinh doanh vận tải đã được đăng ký cấp biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen”. Không bắt buộc phải đổi “giấy chứng nhận đăng ký xe”.
Tuy nhiên, quy định mới tại điểm b, khoản 3 Điều 39 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; khoản 3 Điều 18 Thông tư số 79/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, yêu cầu "đổi chứng nhận đăng ký xe” khi “biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen”.
Từ đầu tháng 1/2025 đến nay, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được rất nhiều phản ánh về tình trạng các Trung tâm đăng kiểm từ chối không kiểm định đối với xe ô tô kinh doanh có “biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen” nhưng chưa “đổi chứng nhận đăng ký xe” phù hợp với các quy định pháp luật mới nêu trên.
Thực tế hiện nay đa số xe kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân bao gồm xe khách, xe tải, xe taxi... đều vay thế chấp ngân hàng bằng “Chứng nhận đăng ký xe”. Việc rút, mượn “Chứng nhận đăng ký xe” từ ngân hàng ra để đem đến cơ quan Cảnh sát giao thông “đổi chứng nhận đăng ký xe” là không thể thực hiện được. Nếu không “đổi chứng nhận đăng ký xe” phù hợp với “biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen” thì các Trung tâm đăng kiểm từ chối không kiểm định, như vậy xe không thể hoạt động được.
Điều này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, xe phải dừng hoạt động. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, đi lại của người dân, xã hội rất lớn, trong khi có xe nhưng không đủ điều kiện lưu thông trên đường.
Hiện nay có khoảng 1 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải đã đổi “biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen” và không đổi chứng nhận đăng ký xe theo quy định tại Thông tư số 58/TT-BCA.
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và giải quyết vấn đề này, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Cục Cảnh sát giao thông áp dụng chuyển đổi số, sử dụng thuật toán để đổi chứng nhận đăng ký xe, tương tự việc tự động gia hạn thời hạn kiểm định ô tô mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đã áp dụng trong thời gian vừa qua.
Đề nghị nâng thời gian lái xe trong tuần
Về thực hiện quy định thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải bằng ô tô, Chủ tịch VATA cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: “Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động”.
Hiện nay, các hệ thống đường bộ của nước ta chưa đồng bộ, thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên đường kéo dài cả về chiều dài đoạn đường bị ùn tắc và thời gian ùn tắc, đặc biệt là 2 đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các trục quốc lộ chính có lưu lượng xe cao đi qua đô thị. Tình trạng trên một số đường bộ cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ, đặc biệt là trục cao tốc Bắc – Nam, xe phải chạy liên tục đến khi ra khỏi đường cao tốc mới có thể tìm được điểm dừng nghỉ (hầu hết các đoạn đường dẫn ra, vào đường cao tốc cũng không có trạm dừng nghỉ).
Với những khó khăn khách quan này đã dẫn đến việc người điều hành vận tải và người lái xe không hoàn toàn làm chủ được thời gian lái xe trên đường; thời gian lái xe bị kéo dài, vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là nguyên nhân chính làm cho lái xe vi phạm 1 hoặc 2 hoặc cả 3 hành vi (quá 10 giờ trong một ngày, quá 48 giờ trong một tuần và lái xe liên tục quá 4 giờ), mặc dù những hành vi này không cố ý, biết trước nhưng không thể tránh, hậu quả là lái xe và cả doanh nghiệp đều bị xử phạt nặng.
Mặt khác hiện tại, thiết bị giám sát hành trình có chức năng đo lường, xác định thời gian hoạt động và tốc độ của xe chưa được quy định trong Nghị định số 135/2021/NĐ-CP về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính và pháp luật đo lường (Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2), nên không được kiểm định định kỳ. Do đó, thời gian hoạt động, tốc độ và quãng đường đi của xe thu được từ thiết bị giám sát hành trình chênh lệch với công-tơ-mét của xe ô tô (là thiết bị đo lường tốc độ và quãng đường đi của xe). Đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến vi phạm thời gian lái xe.
Thông thường, từ trước đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô có xe chạy đường dài, như tuyến Bắc – Nam, Tây Bắc… đều bố trí 2 lái xe. Để đảm bảo thời gian lái xe theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thì các doanh nghiệp phải bố trí 3 lái xe. Tuy nhiên, việc tuyển thêm để bố trí 2 hoặc 3 lái xe lại gặp rào cản rất lớn, khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được, vì đối với ô tô đầu kéo, theo thiết kế chỉ có 2 ghế và quy định chỉ được 2 người ngồi (kể cả xe có thiết kế giường nằm).
Như vậy, việc áp dụng quy định và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm nêu trên, trong điều kiện hạ tầng, tổ chức giao thông và quản lý giao thông vận tải của nước ta còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông bình thường của phương tiện tham gia giao thông, làm cho người lái xe ô tô rất dễ vi phạm do các nguyên nhân khách quan nêu trên.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, điều chỉnh quy định của pháp luật theo hướng giãn, nâng thời gian lái xe quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cụ thể, nâng mức thời gian lái xe trong tuần tối đa từ 55 giờ đến 60 giờ, quy định thời gian lái xe liên tục và trong ngày vượt quá 10% của thời gian lái xe theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới xử phạt và chỉ xử phạt người thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ, các chủ đầu tư quản lý và khai thác dự án, công trình đường bộ khẩn trương nghiên cứu đầu tư, khắc phục những bất cập và hoàn thiện hạ tầng công trình đường bộ, tổ chức giao thông nêu trên./.