Ngay trong chiều và tối 12/4, công tác khắc phục hậu quả của mưa lớn, dông lốc nhằm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân được chính quyền địa phương phối hợp với các lượng vũ trang nhanh chóng thực hiện.
Chiều và tối 12/4, nhiều địa phương miền núi phía Tây Nghệ An đã xảy ra mưa dông, gió giật mạnh. Diễn biến thiên tai cực đoan đã khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, cây đổ, ruộng đồng, hoa màu bị ảnh hưởng. Một số sông suối dâng cao, dòng chảy mạnh làm ngập và cuốn trôi diện tích lúa ven bờ của người dân. Nguy cơ xảy ra lũ ống, sạt lở đất ở một số địa bàn trọng điểm, trên các tuyến đường miền núi tăng cao.
Thông tin ban đầu, tại địa bàn xóm Nghĩa Liên (xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ) dông lốc xảy ra chiều 12/4 với cường độ mạnh đã khiến nhiều nhà dân bị tốc mái. Tình trạng cây gãy cành, bật gốc ngã đổ cũng xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Nhiều diện tích trồng keo trên đồi, ruộng ngô của người dân cũng xảy ra gãy đổ.
Tại Thị xã Thái Hòa, mưa lớn diễn ra trong thời gian dài đã khiến tuyến Quốc lộ 48 bị ngập úng cục bộ nhiều đoạn tuyến với mực nước sâu từ 30 đến hơn 50cm. Nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường phải ngăn, che chắn cửa nhà tránh nước tràn và rác trôi vào nhà, đồng thời kê cao đồ đạc, vật dụng nhằm tránh hư hỏng. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, ảnh hưởng lớn.
Tại 2 huyện miền núi Quỳ Châu và Quế Phong, mưa lớn, diễn ra trong thời gian dài đã khiến mực nước ở một số sông, suối tại một số địa bàn dâng cao, dòng chảy xiết do nước từ thượng nguồn đột ngột đổ về. Nhiều diện tích trồng lúa ở ven lưu vực sông, suối của người dân bị ngập, vùi lấp, cuốn trôi. Một số công trình ngầm, tràn trên các tuyến đường giao thông liên bản, liên xã bị ngập bởi dòng chảy xiết mang theo đất đá, bùn đất, thân gỗ mục, cành cây khiến giao thông tạm thời bị chia cắt. Tình trạng sạt lở đất đá, cây đổ cũng đã xảy ra tại một số tuyến đường đi các xã, bản vùng sâu, vùng xa khiến các phương tiện lưu thông gặp khó khăn và tiềm ẩn rủi ro.
Ngay trong chiều và tối 12/4, công tác khắc phục hậu quả của mưa lớn, dông lốc nhằm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân được chính quyền địa phương phối hợp với các lượng vũ trang nhanh chóng thực hiện. Việc rà soát, thống kê thiệt hại ban đầu cũng được UBND các huyện chỉ đạo chính quyền địa phương bị ảnh hưởng khẩn trương triển khai.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 12/4, khu vực Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to, lượng phổ biến 30-60mm, cục bộ có nơi trên 90mm, trong mưa dông có khả năng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng thấp. Lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở trên sườn dốc.
Để chủ động ứng phó với không khí lạnh, mưa, lốc, sét, mưa đá, nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến thời tiết, không khí lạnh, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh; cảnh báo khả năng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở và nhân dân chủ động biện pháp phòng tránh phù hợp, sẵn sàng lực lượng tại chỗ, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có); tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân khi có tình huống xảy ra.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh./.