Lễ hội Xuân hồng lần thứ 17 - năm 2024 sẽ kéo dài liên tục trong 8 ngày và diễn ra tại 3 địa điểm.
TTXVN - Lễ hội Xuân hồng là sự kiện hiến máu lớn nhất vào dịp đầu Xuân, được tổ chức bởi Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội. Lễ hội Xuân hồng lần thứ 17 - năm 2024 sẽ kéo dài liên tục trong 8 ngày và diễn ra tại 3 địa điểm: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (từ ngày 18/2 đến 25/2); Trường Trung học Cơ sở Trâu Quỳ (từ 22/2 đến 23/2); Trung tâm Thương mại AEON Mall Hà Đông (ngày 24/2). Lễ hội Xuân hồng dự kiến khai mạc lúc 14 giờ 30 ngày 20/2 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Dự kiến mỗi ngày sẽ tiếp nhận 800 - 1.000 đơn vị máu.
Ngày đầu tiên diễn ra sự kiện tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã có nhiều gia đình tham gia. Gia đình ông Lê Trung Truyền (xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên) luôn dành tình cảm đặc biệt cho Lễ hội Xuân hồng. Cứ vào dịp đầu năm mới, gia đình ông lại tập trung cùng đi hiến máu. “Đầu Xuân mọi người thường đi chùa lấy may. Mình đi hiến máu ở Lễ hội Xuân hồng để mang may mắn cho mọi người”, chị Lê Thị Bích Diệp, con gái ông Lê Trung Truyền chia sẻ. Chị Diệp cũng như mọi người trong gia đình đều mong muốn góp một phần nhỏ bé để những người bệnh không thiếu máu truyền.
Từ năm 2007 đến nay, gia đình ông Truyền đã vận động được khoảng hơn 100 người tham gia hiến máu, với hàng trăm đơn vị máu và tiểu cầu/năm. Nhiều người con của ông đã hiến máu 30 - 40 lần.
Dù không hiến máu vì đã bước qua tuổi 60, ông Truyền vẫn tất bật đi hỏi han, hướng dẫn những thành viên trong gia đình đang tham gia hiến máu. Sự có mặt của người cha, người ông như nguồn động viên tinh thần cho con cháu, bởi truyền thống hiến máu của gia đình bắt nguồn từ ông Truyền.
“Ngày xưa, bố giấu cả gia đình để tự đi hiến máu một mình. Vợ con không ai hay biết. Về sau, mọi người biết và đã ủng hộ ông. Ban đầu, gia đình chỉ có 5 người đi. Sau này, các con cháu đều noi gương ông đi hiến máu”, chị Lê Thị Thu Thanh cảm thấy hãnh diện về người cha và tự hào vì truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Hành động đẹp bắt nguồn từ gia đình, anh em, bạn bè, sau đó được nhân rộng ra cộng đồng, xã hội, gia đình ông thường xuyên kêu gọi người dân xã Xuân Quan tham gia hiến máu tình nguyện.
Lễ hội Xuân hồng cũng là một lễ hội đặc biệt khi có rất nhiều cặp vợ chồng, gia đình cùng tham gia. Thay cho việc dự một lễ hội văn hóa thường thấy trong các dịp đầu Xuân năm mới, nhiều cặp vợ chồng, nhiều gia đình chọn một công việc ý nghĩa khác. Lễ hội Xuân hồng với thông điệp “Hiến máu đầu Xuân - Nhân lên hạnh phúc” là dịp để hàng ngàn người làm việc thiện đầu năm - trao đi món quà sự sống.
Vợ chồng chị Phan Thúy Bích và anh Lưu Việt Hoàng (Hà Đông, Hà Nội) tay trong tay đi hiến máu là một trong những hình ảnh đẹp tại Lễ hội Xuân hồng năm nay. Họ bắt đầu hiến máu từ năm 2013 nhờ sự phát động của Đoàn Thanh niên tại cơ quan của chị Bích. Từ đó đến nay, họ luôn đồng hành. Những lần “hẹn hò” như vậy, hai vợ chồng đưa các con đi cùng. Vì thế, người con đầu cũng tiếp bước cha mẹ khi đến tuổi hiến máu.
Chị Trần Thị Huyền (Hoài Đức, Hà Nội) nghe được lời kêu gọi hiến máu trên bản tin thời sự và các phương tiện truyền thông. Ngay từ trước Tết, chị và chồng đã thu xếp công việc để đi hiến máu. Vì không đủ điều kiện sức khỏe nên phải chờ đến Lễ hội Xuân hồng, vợ chồng chị mới hoàn thành được dự định này. Vừa kiểm tra sức khỏe, vừa góp sức giúp người bệnh, đó là mong muốn của chị Huyền khi hiến máu đầu năm.
Lần đầu tiên tổ chức vào năm 2008, Lễ hội Xuân Hồng chỉ diễn ra trong một ngày với 2.610 đơn vị máu - đây là con số vô cùng bất ngờ và rất giá trị vào thời điểm đó. Từ năm 2010, Lễ hội Xuân Hồng được Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện phát động trên toàn quốc, trở thành điểm nhấn, nét riêng có cho phong trào hiến máu tại Việt Nam. Lễ hội Xuân hồng 2023 diễn ra trong 7 ngày đã tiếp nhận trên 11.000 người tham gia hiến máu và hàng trăm người tham gia hiến tiểu cầu./.