Thời sự

Nhiều giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội

Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Trà Vinh, Đắk Nông đánh giá kết quả triển khai các dự án trọng điểm; đưa ra các giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh trật tự xã hội tại địa phương trong thời gian tới.


Ngày 11/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Trà Vinh, Đắk Nông họp đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu về kinh tế, xã hội năm 2024; đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2025.

*Hà Tĩnh tập trung vào các dự án trọng điểm

Các đồng chí chủ trì kỳ họp. 
Ảnh: Công Tường-TTXVN

Ngày 11/12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khai mạc kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 để đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu về kinh tế, xã hội trong năm; triển khai các dự án trọng điểm và đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2025.

Năm 2025, Hà Tĩnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 91 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách đạt trên 17.800 tỷ đồng; thành lập mới trên 1.200 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; hoàn thành xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%.

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các nhà máy của Formosa, Nhiệt điện Vũng Áng I duy trì ổn định sản xuất kinh doanh; tạo mọi điều kiện để Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II đẩy nhanh tiến độ, sớm đi vào vận hành, bổ sung tăng trưởng cho ngành điện. Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, chuyển đổi số; tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải phóng mặt bằng, hồ sơ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm...

Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh phát biểu tại kỳ họp. 
Ảnh: Công Tường-TTXVN

Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: Năm 2024, các chỉ tiêu về kinh tế cơ bản đạt; tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, thu ngân sách vượt kế hoạch. Trong năm, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 20 dự án, nổi bật là dự án Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng; khởi công dự án VSIP; khởi động dự án sản xuất ô tô điện Vinfat. Các dự án trọng điểm quốc gia như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường điện 500kV mạch 3,… được chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo tiến độ.

Năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh tăng trưởng kinh tế đạt 7,48%, xếp thứ 8/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Quy mô nền kinh tế đạt mức 113.000 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với năm 2023; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhẹ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; có thêm 2 huyện đạt huyện nông thôn mới...

Tại Kỳ họp, các đại biểu đánh giá kết quả triển khai các dự án trọng điểm; đưa ra các giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh trật tự xã hội như: Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025; Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Tập đoàn Formosa duy trì ổn định sản xuất kinh doanh; hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư Nhà máy sản xuất ô tô điện tại Khu kinh tế Vũng Áng; tạo mọi điều kiện để nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; thu hút đầu tư các cụm công nghiệp.

Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII diễn ra trong 3 ngày từ 11 - 13/12/2024.

*Trà Vinh phấn đấu năm 2025 đạt mức tăng trưởng kinh tế 8%

Đại biểu HĐND tỉnh Trà Vinh khóa X bỏ phiếu bầu Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. 
Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Từ ngày 9 - 11/12, HĐND tỉnh Trà Vinh khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 19, nhằm tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2024, đề ra Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Trà Vinh thống nhất đề ra Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với chỉ tiêu phấn đấu đưa mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 101 triệu đồng/người/năm, tăng 6,72 triệu đồng so với năm 2024; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 32.000 tỷ đồng; phát triển mới 520 doanh nghiệp, tạo việc làm mới cho 23.000 lao động.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang trả lời chất vấn tại Kỳ họp. 
Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh Kim Ngọc Thái để nghị các ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng với UBND tỉnh tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo được sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với khu vực kinh tế nông thôn, các địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa; quan tâm hơn việc nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 - 5 sao, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn giao dịch nước ngoài để tăng chuỗi giá trị.

Trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, các ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, phấn đâu kết quả PCI nằm trong top 20. Để nâng cao hiệu quả trong khu vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tỉnh cần tập trung theo dõi, hỗ trợ tạo điều kiện các dự án năng lượng tái tạo, nhà máy điện sinh khối và nhà máy sản xuất hydro xanh...; phát triển năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII.

Tỉnh tập trung thực hiện đề án phát triển kinh tế biển, kinh tế đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030; đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" tại địa bàn. Tỉnh đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ ngành chăn nuôi; nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống, vật nuôi chủ lực bằng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện địa lí của tỉnh; phát triển đồng bộ cả khai thác và nuôi trồng thủy sản gắn với đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) đạt 10,04 %, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt hơn 96.000 tỷ đồng, tăng 12.663 tỷ đồng so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng hơn 27,31%, tăng 1% so với năm 2023; thu ngân sách trên 18.600 tỷ đồng, vượt 36 % dự toán năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt hơn 94 triệu đồng/người/năm, tăng 12,05 triệu đồng so với năm 2023.

*Đắk Nông cơ bản hoàn thành phân bổ vốn thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia

Ngày 11/12, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV đã thông qua nghị quyết về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Theo đó, HĐND tỉnh quyết định phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 gần 660 tỷ đồng để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Cụ thể, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân bổ hơn 280 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phân bổ hơn 80 tỷ đồng; số còn lại phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Nông cũng giao nhiệm vụ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2025, gồm: Giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 2% trở lên; phấn đấu đưa 7 xã và 72 thôn ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn; toàn tỉnh có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 43/60 xã đạt chuẩn, trong đó ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…

Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, trong giai đoạn 2021-2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được ưu tiên nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tổng số vốn Trung ương và tỉnh bố trí để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn trong giai đoạn này là gần 4.200 tỷ đồng.

Hiện, tỉnh Đắk Nông có 46 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 227.000 người (với gần 48.000 hộ), chiếm trên 32% số dân toàn tỉnh với 39 dân tộc./.


Phóng viên TTXVN tại địa phương

Tin liên quan

Xem thêm