Tỉnh Hưng Yên hiện trồng khoảng 5.000ha nhãn; trong đó có khoảng 1.000 ha trồng các giống nhãn cùi cổ, đường phèn.
Hưng Yên nổi tiếng với nhiều loại nhãn quý không nơi nào sánh được. Do nhiều nguyên nhân khác nhau các giống nhãn quý như cùi cổ, đường phèn, đường phèn quả vuông đang dần mai một. Đau đáu trước thực trạng này, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để bảo tồn và nhân rộng những giống nhãn quý của địa phương.
Những ngày này, vườn nhãn cùi cổ của gia đình ông Bùi Xuân Tám, ở xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên có rất đông người dân và du khách đến tham quan và thưởng thức giống nhãn. Với ông Tám, gia đình có được giống nhãn quý này là một "cơ duyên" và là món quà thiên nhiên ban tặng.
Ông Tám kể, năm 1990, gia đình đấu thầu hàng nhãn cổ ở chân đê thôn Nễ Châu, đến mùa thu hoạch ông phát hiện có một cây nhãn cho quả rất ngon, cùi giòn và róc hạt, đậm vị thơm mật ong không thua kém gì giống nhãn đường phèn. Sau đó, ông đã lấy hạt về ươm giống tại vườn nhà, hai năm sau nhãn cho ra quả, đến năm 1997, khi cây trưởng thành và cho năng suất ổn định, gia đình ông đã ghép mắt để nhân rộng giống nhãn quý này. Đến nay, gia đình ông đã có khoảng 100 cây nhãn cùi cổ cho thu hoạch mang thiêu hiệu "Cây đầu dòng nhãn cùi cổ Bùi Tám".
"Nhãn cùi cổ là nhãn tiến vua của đất Phố Hiến xưa, là một trong những giống nhãn quý trong các dòng nhãn đặc sản của Hưng Yên. Hiện nay, nhiều hộ tìm cách lai tạo hoặc trồng những giống mới cho năng suất và sản lượng cao nhưng gia đình tôi vẫn kiên định với những gốc nhãn cổ và nhân giống để có thêm nhiều người chung tay bảo tồn nguồn gen quý này", ông Tám nói.
Năm 2022, giống nhãn cùi cổ của gia đình ông Tám đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận và cho phép khai thác tối đa từ 1.000 đến 1.500 mắt ghép mỗi năm.
Nhận thấy giống nhãn cùi cổ ngày càng bị mai một, trong khi người trồng nhãn Hưng Yên đang dần đánh mất đi thương hiệu "Nhãn lồng Hưng Yên", với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Nễ Châu ông Tám đã tập hợp các hội viên có cùng sở thích để chia sẻ kinh nghiệm trồng nhãn cũng như tìm giải pháp để bảo tồn và nhân rộng giống nhãn cùi cổ này. Để hiện thực hóa ý tưởng của mình, đầu năm 2022, ông Tám đã bỏ tiền mua 1.000 cây nhãn con, sau đó về ghép mắt giống nhãn cùi cổ để tặng tất cả các hội viên trong Chi hội. Đến tháng 9/2023, ông Tám đã tặng 100 cây cho các hội viên trong Chi hội Cựu chiến binh thôn Nễ Châu và xã Hồng Nam để nhân rộng giống nhãn quý này.
Đất Hưng Yên có nhiều giống nhãn khác nhau. Trong dân gian, người dân thường dựa vào màu sắc, hương vị của quả nhãn để đặt tên các loại như nhãn thóc, nhãn cùi, nhãn nước, nhãn đường phèn… Riêng nhãn đường phèn "kiêu hãnh" xếp ngôi đầu bảng về chất lượng bởi cùi giòn, vị ngọt sắc, hương thơm khó quên.
Về thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên hỏi hai anh em ông Trịnh Văn Cương (83 tuổi) và ông Trịnh Văn Hữu (81 tuổi) ai cũng biết, bởi gia đình có một loại nhãn quý với tên gọi độc đáo "Nhãn đường phèn quả vuông". Ông Cương chia sẻ, cây nhãn đường phèn quả vuông được bố ông trồng ở vườn nhà. Nhận thấy quả ngon, năm 1995, gia đình ông đã chiết và nhân rộng ra vườn nhà, đến nay, gia đình ông đã nhân rộng trên diện tích 1,2 mẫu. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên công nhận vườn nhãn của gia đình là vườn cây đầu dòng và cho phép khai thác tối đa 60.000 mắt ghép/năm. Đây là điều kiện để gia ông và các hộ dân trong thôn nhân rộng giống nhãn quý.
Chia sẻ về cách gọi tên "Nhãn đường phèn quả vuông" ông Trịnh Văn Hữu cho biết, nhãn đường phèn quả vuông là giống nhãn quý của địa phương. Khi chín vai hai bên nhô lên, trông giống hình vuông. So với các giống nhãn khác nhãn đường phèn quả vuông năng suất không cao nhưng bù lại quả rất đều, đẹp, cùi giòn, róc hạt và có vị đậm thơm như mật ong nên rất được khách hàng ưu chuộng. Năm nay, gia đình ông dự kiến thu hoạch được khoảng 6 tấn, với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hàng trăm triệu đồng.
Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên hiện có 18ha trồng nhãn; trong đó có trên 6ha trồng các giống nhãn đặc sản, chủ yếu là nhãn cùi cổ và nhãn đường phèn. Các giống nhãn này có giá khá cao so với mặt bằng chung nhưng rất được khách hàng ưa chuộng, chủ yếu là làm quà biếu.
Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu Bùi Xuân Sử, hiện các giống nhãn đặc sản của hợp tác xã đã thu hoạch khoảng 70%, với giá bán cao. Hiện giá nhãn cùi cổ có giá từ 100.000-120.000 đồng/kg; nhãn đường phèn và nhãn đường phèn quả vuông có giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, tùy từng loại. Hợp tác xã luôn khuyến khích các thành viên mở rộng diện tích để bảo tồn và phát triển các giống nhãn quý, bởi thị hiếu của người tiêu dùng luôn ưu tiên chọn các loại nhãn ngon để thưởng thức.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, hiện trồng khoảng 5.000ha nhãn; trong đó, có khoảng 1.000 ha trồng các giống nhãn cùi cổ, đường phèn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Khoái Châu.
Quyền Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thu cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 nguồn gen nhãn, trong đó, có trên 40 nguồn gen có nguồn gốc bản địa. Điều này không chỉ làm tăng giá trị vùng trồng nhãn của Hưng Yên mà còn có ý nghĩa quan trọng về nguồn gen thực vật bản địa, giá trị về ẩm thực vùng miền và giá trị văn hóa, du lịch của Hưng Yên.
Để bảo tồn, phát triển nguồn gen nhãn, vải đặc sản của Hưng Yên; đồng thời giúp cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên cây trồng đặc sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2918/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030".
Mục tiêu của đề án đến năm 2025, tỉnh Hưng Yên cơ bản bảo đảm nguồn gen nhãn, vải hiện có của tỉnh được kiểm kê, đánh giá, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gen nhãn, vải. Tỉnh dự kiến xây dựng mới khu bảo tồn và duy trì bảo tồn hiện trạng cây nhãn tổ; bảo tồn nguyên trạng đối với các cây nhãn, vải có chất lượng ngon, quý hiếm tại vườn của các chủ hộ sở hữu; thành lập vườn bảo tồn chuyển vị các nguồn gen nhãn, vải../.