Mỗi quân nhân cần ý thức sâu sắc rằng, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao uy tín, vị thế của quân đội nhân dân và tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của đội ngũ cán bộ trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam, nhất là trong môi trường thực hiện nhiệm vụ xa Tổ quốc.
Trong thời gian tới, tình hình quốc tế và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, các vấn đề mâu thuẫn nội bộ, dân tộc, sắc tộc, ly khai, khủng bố, xung đột vũ trang cục bộ tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, nhất là việc tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên và cạnh tranh ảnh hưởng trên từng khu vực, đe dọa nền hòa bình, an ninh thế giới.
Trong nước, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và âm mưu “phi chính trị hoá”, “dân sự hóa” Quân đội, hòng làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, niềm tin vào Đảng, vào chế độ trong mỗi cán bộ, chiến sĩ. Do đó, yêu cầu về chất lượng cán bộ của Liên hợp quốc ngày càng cao.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ gìn giữ hòa bình có bản lĩnh chính trị vững vàng trong thời kỳ mới, Đảng ủy, Chỉ huy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể, trong đó trọng tâm là tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ gìn giữ hòa bình trong thực hiện nhiệm vụ.
Đây có thể nói là giải pháp cơ bản hàng đầu, là yếu tố nền tảng, bởi có nhận thức đúng thì mới hành động đúng, đó là quy luật khách quan. Do đó, phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ gìn giữ hòa bình Việt Nam về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đặc điểm của đội ngũ cán bộ tham gia gìn giữ hòa bình là từ các cơ quan, đơn vị Quân đội, có trình độ, nhận thức khác nhau nên cần phải quán triệt, học tập về chủ trương, đường lối của Đảng, sự hiểu biết cơ bản các truyền thống vẻ vang của Quân đội, qua đó có sự thống nhất về ý chí và hành động.
Đặc biệt, lực lượng chuẩn bị triển khai tới các phái bộ phải nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng, nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình liên hợp quốc và sự cần thiết phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Công tác giáo dục chính trị cần phải làm cho mỗi cán bộ gìn giữ hòa bình Việt Nam quán triệt sâu sắc và nắm vững Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình liên hợp quốc, Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình liên hợp quốc năm 2014 - 2020 và những năm tiếp theo và Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, từ đó nâng cao nhận thức về mục đích cao cả của việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam là bạn, là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Đồng thời, mỗi quân nhân cần ý thức sâu sắc rằng, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao uy tín, vị thế của quân đội nhân dân và tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, các đơn vị chú trọng giáo dục cho đội ngũ cán bộ, nhân viên thấm nhuần sâu sắc nhiệm vụ được giao, luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn chính là tự giúp mình”, hết lòng vì đất nước và công dân nước sở tại. Mỗi cán bộ gìn giữ hòa bình Việt Nam cần nhận thức được mình là những sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa và sứ giả của sức mạnh quân sự nhân văn, nhân ái của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ đó, mỗi người cần ra sức nghiên cứu, học hỏi, rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ, thông thạo luật pháp quốc tế, pháp luật, mà còn am hiểu phong tục, tập quán nước sở tại, am hiểu về chính trị, đấu tranh, bác bỏ các thông tin xấu độc, phản động; bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý; kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; khẳng định giá trị, ý nghĩa của nhiệm vụ quốc tế cao cả được giao.
Được trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là niềm vinh dự, tự hào, mỗi quân nhân thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam phải ý thức cao về vai trò đại diện đất nước của mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành đầy đủ các quy định của Liên hợp quốc, đồng thời phải thể hiện đức tính gần gũi, thân thiện, có văn hóa và giữ vững bản sắc văn hóa người Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, cán bộ gìn giữ hòa bình Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng hội nhập và tham gia thành công vào việc thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế trong môi trường đa quốc gia, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, phối hợp hoạt động đa chiều trên cấp độ toàn cầu. Khi đã nhận thức đầy đủ và đồng thuận cao, các quân nhân được cử tham gia sẽ có tâm thế tốt, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình./.
- Từ khóa:
- Đảng ủy
- Gìn giữ hòa bình
- Liên hợp quốc
- Cán bộ
- Chiến sĩ