Thời gian qua, việc hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Long và đối tác Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, toàn tỉnh hiện có 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký trên 1,2 tỷ USD.
Ngày 5/8, Đoàn đại biểu tỉnh Niigata (Nhật Bản) do Thống đốc Hanazumi Hideyo làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long nhằm trao đổi, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 tỉnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, trong năm 2023, hai nước Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đã nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Ngày 24/11/2023, hai tỉnh Vĩnh Long và Niigata đã ký Bản ghi nhớ hợp tác. Đây là dấu mốc quan trọng, cơ hội để hai tỉnh hợp tác đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung và hai tỉnh Vĩnh Long - Niigata lên giai đoạn phát triển mới.
Thời gian qua, việc hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Long và đối tác Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Toàn tỉnh hiện có 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký trên 1,2 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản đang là quốc gia có vốn đầu tư vào Vĩnh Long lớn nhất với 11 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 413 triệu USD thuộc các lĩnh vực đầu tư như: Sản xuất, gia công thực phẩm; sản xuất và chế biến nông sản; dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa; sản xuất máy, công cụ, các linh kiện máy móc chính xác cỡ nhỏ... Xuất khẩu năm 2023 của tỉnh sang thị trường Nhật Bản đạt gần 128 triệu USD, chiếm 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; dự báo năm 2024 đạt khoảng 138 triệu USD. Đặc biệt, giai đoạn 2010 - 2023, Vĩnh Long đưa gần 10.000 lượt lao động sang làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Nhật Bản, chiếm trên 76% tổng số lao động Vĩnh Long tại nước ngoài. Riêng 7 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đưa gần 850 lao động sang làm việc tại Nhật Bản, chiếm gần 82% tổng số lao động của địa phương tại nước ngoài.
Thời gian tới, Vĩnh Long mong muốn hợp tác hiệu quả hơn với tỉnh Niigata trong các lĩnh vực như: Mở rộng việc tiếp nhận thực tập sinh, lao động tỉnh Vĩnh Long sang tu nghiệp, nâng cao tay nghề và làm việc tại tỉnh Niigata; đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, du lịch; đẩy mạnh kết nối giao thương, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long; liên kết trường Đại học của tỉnh Niigata với trường Đại học và sở, ngành, địa phương của tỉnh Vĩnh Long.
Ông Lữ Quang Ngời khẳng định, chính quyền Vĩnh Long cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Niigata triển khai các hoạt động hợp tác sâu rộng, thực chất, hiệu quả hơn, góp phần phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị của hai tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, lâu dài của Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Hanazumi Hideyo, Thống đốc tỉnh Niigata cho rằng, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long. Do đó, tỉnh Niigata sẽ hỗ trợ Vĩnh Long giống lúa chịu được biến đổi khí hậu, từ đó hướng tới trồng lúa giảm phát thải khí metan. Bên cạnh đó, hoạt động kết nối doanh nghiệp, nguồn nhân lực giữa tỉnh Niigata và tỉnh Vĩnh Long nhân chuyến làm việc sẽ tạo tiền đề cho hai bên mở rộng giao lưu hợp tác ở nhiều lĩnh vực trong thời gian tới. Tỉnh Niigata sẽ xây dựng môi trường tốt nhất để người dân Vĩnh Long đến học tập và làm việc.
Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long và Trường Đại học Niigata (Nhật Bản) đã ký kết ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với 4 nội dung chính gồm: Nghiên cứu trồng các giống lúa chịu hạn đa stress của Nhật Bản; dự án giảm phát thải khí metan; dự án về xuất khẩu gạo hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản; trao đổi nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trước đó, hai địa phương cũng đã phối hợp tổ chức các hội nghị kết nối nguồn nhân lực, kết nối doanh nghiệp, kết nối trường học giữa bên.
Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giàu tiềm năng về nguồn nhân lực, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái miệt vườn. Tỉnh ưu tiên thu hút mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực như: Phát triển du lịch xanh; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo tồn ngành nghề truyền thống; công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn./.